ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2030

21/04/2023

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, chiều 21/4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14 THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơnv ị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng (tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị) và thực hiện nhiệm vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao (tại Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15) thì việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 24 Điều quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030; quy định khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp và các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030, trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp thì báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Để nâng cao chất lượng của đơn vị hành chính đô thị, góp phần khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, dự thảo Nghị quyết quy định một điều riêng về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, trong đó quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính đô thị. Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị trong từng giai đoạn sắp xếp. Trong mỗi giai đoạn, tuỳ từng trường hợp mà xem xét điều kiện về sự phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị cho phù hợp; quy định về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì các đơn vị hành chính phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công; áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; kinh phí và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Chính phủ đề nghị xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ dự thảo Nghị quyết này là nội dung quan trọng làm cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo chủ trương của Đảng. Đây là nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền tại phiên họp vào tháng 5/2023 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 vừa qua được thực hiện theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Dự thảo Nghị quyết này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong giai đoạn 2023-2030. Trong giai đoạn 2023-2030, sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, do đó trong dự thảo Nghị quyết có những nội dung quy định, đối tượng, tiêu chí đánh giá khác nhau cho hai giai đoạn này.

Ghi nhận hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, việc xây dựng Nghị quyết lần này nhiều thuận lợi khi có đầy đủ cơ sở chính trị như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cùng với đó rất nhiều kinh nghiệm bài học được rút ra từ giai đoạn 2019-2021.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám trao đổi ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban

Trong quá trình soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng cùng các cơ quan hữu quan tham gia góp ý, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, các nội dung lớn trong dự thảo Nghị quyết có sự thống nhất cao giữa các cơ quan. Bên cạnh đó còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, làm rõ.

Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tập trung ý kiến về vấn đề Chính phủ xin ý kiến, đánh giá về hồ sơ trình tự thủ tục; về quy định đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc sắp xếp, các trường hợp khuyến khích sắp xếp; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp đơn vị hành chính đô thị; chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, người dân, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; trách nhiệm của các cơ quan…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tán thành với tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như trong dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Đảng, có sự kế thừa Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 và bổ sung nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định rõ hơn nhiều nội dung so với Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 như các cơ chế đặc thù, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, các số liệu, tiêu chí diện tích, dân cư…Đại biểu cũng lưu ý cần quan tâm rà soát để quy định phù hợp các vấn đề quan trọng như sắp xếp tổ chức biên chế bộ máy để bảo đảm đủ số lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước khi tăng quy mô dân số, diện tích sau sắp xếp.

Đại biểu Phan Thái Bình cũng chỉ rõ thực tiễn tại các địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính nhưng việc chậm xử lý trụ sở, tài sản dôi dư gây lãng phí lớn. Đại biểu đặt vấn đề nếu dự thảo Nghị quyết lần này quy định thực hiện 2 năm để xử lý vấn đề này có khả thi, trường hợp không thực hiện được theo quy định này thì xử lý như thế nào, trách nhiệm ra sao.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Có cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình chia sẻ thực tiến triển khai sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bên cạnh các kết quả đạt được còn một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế đến nay chưa được  giải quyết như sắp xếp cán bộ dôi dư, trụ sở làm việc, cơ chế đặc thù dù các tỉnh đã rất cố gắng, quyết liệt. Cùng với đó, các quy định về thủ tục đấu giá, thẩm định giá để xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện việc xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp.

Kết luận nội dung phiên họp, ghi nhận các ý kiến sâu sắc, kỹ lưỡng của các đại biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua thảo luận cho thấy các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và các bộ ngành, phối hợp chặt chẽ trong chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến cơ bản tán thành trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, bên cạnh đó cũng lưu ý cần đánh giá làm rõ thêm tác động, việc khắc phục những bất cập triển khai trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước, những tác động về văn hóa, lịch sử khi tiếp tục sắp xếp.

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ hữu quan chủ động chuẩn bị báo cáo làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Về đối tượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp, khuyến khích sắp xếp, các đại biểu đều thống nhất với quy định của dự thảo và có một số ý kiến đề nghị lưu ý một số trường hợp cụ thể. Về đối tượng thuộc diện sắp xếp mà không sắp xếp như xã biên giới, các đại biểu đề nghị cân nhắc các yếu tố đặc thù trong quá trình thực hiện bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự xã hội để bảo đảm linh hoạt và công bằng giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm như việc thể hiện sự ưu tiên cho việc sắp xếp đơn vị hành chính đô thị theo hướng giảm các yêu cầu về chất lượng đô thị so với quy định tại Nghị quyết số 1210.

Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn về xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát để nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu và nhấn mạnh thực tiễn đòi hỏi cần phải có hướng dẫn mang tính đặc thù cho xử lý vấn đề này để bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định Luật nhưng đẩy nhanh hơn tiến độ, tránh lãng phí.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại diện lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng 

​Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Bảo Yến - Nghĩa Đức