CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CỐ GẮNG Ở MỨC CAO NHẤT GIẢI QUYẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÒN TỒN ĐỌNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

10/04/2023

Chiều 10/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp Đoàn tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Hành trình theo dấu chân Bác”. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn và coi việc chăm sóc người có công với cách mạng và thân nhân người có công là vinh dự, trách nhiệm.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI GẶP MẶT CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ VỚI ĐOÀN ĐẠI BIỂU CỰU TÙ CHÍNH TRỊ VÀ TÙ BINH TP.HỒ CHÍ MINH

Dự buổi gặp mặt có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, trợ lý, thư ký lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Cùng dự buổi gặp mặt có Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Tp.Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh – Trưởng đoàn cùng 69 thành viên là cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh

Tại buổi gặp mặt, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Tp.Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh bày tỏ xúc động khi Chủ tịch Quốc hội quan tâm, dành thời gian tiếp đoàn; đồng thời cho biết nhiều thành viên trong Đoàn lần đầu tiên ra Hà Nội, được thăm Nhà Quốc hội - tòa nhà uy nghiêm và hiện đại, minh chứng cho sự phát triển không ngừng của Quốc hội Việt Nam.

Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP. Hồ Chí Minh, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Tp.Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh chia sẻ suốt gần 22 năm qua, kể từ ngày 17/6/1991 chính thức thành lập, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP. Hồ Chí Minh và các thành viên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Ban đã tập hợp trên 98% cựu tù vào tổ chức, ổn định tổ chức hoạt động ở 321 phường, xã, thị trấn, 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức của TP. Hồ Chí Minh.

Ban xây dựng được Quỹ Nghĩa tình đồng đội để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng cho các cháu cựu tù nhà nghèo học giỏi và các cháu học sinh khác; phối hợp giải quyết trên 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù. Ban đã viết, biên soạn, sưu tầm in 6 đầu sách về tù, nhà tù, kỷ yếu ảnh về hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh. Với những thành tích đạt được trong gần 22 năm qua, Ban đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của TP. Hồ Chí Minh, của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba và hạng Hai.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các thành viên trong Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ vinh dự, vui mừng về thăm Hà Nội và Nhà Quốc hội, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội cũng như cá nhân Chủ tịch Quốc hội. Các đại biểu cũng kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha ông; bảo tồn các di tích lịch sử; quan tâm giải quyết hậu quả chiến tranh, khắc phục di chứng chất độc da cam dioxin, quan tâm chế độ chính sách với những người có công, có thêm những hình thức khen thưởng kịp thời những cá nhân, gia đình tình nguyện tham gia kháng chiến…

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động gặp mặt các cựu tù chính trị và tù binh TP. Hồ Chí Minh tại Nhà Quốc hội; đồng thời đánh giá cao chủ trương của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Liên lạc, không chỉ là tổ chức cần thiết cho các thành viên, hội viên mà còn là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước, là một hình thức tập hợp, giáo dục truyền thống cách mạng hết sức ý nghĩa, thiết thực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những kết quả hoạt động của Ban Liên lạc trong gần 22 năm qua; khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã thường xuyên quan tâm thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa, không chỉ trong những ngày lễ, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ mà ở đâu có điều kiện, bất cứ làm được gì cho người có công với cách mạng thì các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và đồng bào ta đều quan tâm. Các nguồn lực của Nhà nước cũng tập trung đầu tư cho công tác này.

Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công như: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó có nêu rất rõ chính sách với người có công; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; quan điểm “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội” tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Tp.Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh phát biểu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, trong đó đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày và thân nhân.

Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với phương châm không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, phải cố gắng ở mức cao nhất để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Đây là việc rất cấp bách vì nhiều bác tuổi đã cao. Phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng.

Với 69 đại biểu trong Đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi đồng chí là một pho lịch sử sống gắn với cuộc kháng chiến cứu nước của cả dân tộc. Mong các đồng chí “sức còn tới đâu thì đóng góp tới đó” để góp phần cống hiến cho xã hội, cho đất nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn xác định việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với sự phát triển của đất nước là công việc được quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Trân trọng những kiến nghị nêu ra tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển ý kiến tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết. Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ nêu lại những vấn đề này khi Trung ương thảo luận về tổng kết Nghị quyết số 15. 

Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin; các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cách điều trị, chính độ chính sách, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxine.

Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự kiến, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XIII sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15, Bộ Chính trị đã thống nhất sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết mới để tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách về công tác xã hội, trong đó có các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách với người có công.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng, trước mắt sẽ rà soát để sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để tôn vinh nhiều trường hợp xứng đáng được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn vinh những trường hợp là Việt kiều tự nguyện về nước tham gia cách mạng, tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng. Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, với những trường hợp chưa được Nhà nước chứng nhận thì có thể bàn với cấp uỷ, chính quyền địa phương vẫn tôn vinh với hình thức Nhà nước và xã hội cùng thực hiện để bảo đảm chế độ như những trường hợp đã được Nhà nước xác nhận.

Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh 

Các đại biểu tham dự buổi tiếp

Các thành viên Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi gặp mặt

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệmTrưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Tp.Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao quà đến các thành viên Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà và thăm hỏi các đại biểu Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh 

Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh thăm Nhà Quốc hội