PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Là một trong những nhà nghiên cứu pháp luật, trải qua thực tiễn hành nghề trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk Tạ Quang Tòng chỉ ra rằng, đất là tài nguyên quan trọng của các tỉnh vùng Tây nguyên, phù hợp cho việc xây dựng và phát triển nông, lâm nghiệp. Phần lớn đất ở Tây nguyên là đất đỏ Bazan, tầng phong hóa dày, có địa hình lượn sóng tạo thành các cao nguyên đất đỏ, chiếm diện tích khoảng 1 triệu ha, rất thích hợp để trồng nhiều loại cây công nghiệp như Cà phê, Cao su, chè, hồ tiêu, điều và gần đây là sầu riêng, bơ ...
Tuy nhiên, cũng như các vùng miền khác, Tây Nguyên cũng có những tranh chấp đất đặc thù như giữa các Nông trường, Lâm trường với người dân địa phương, và người dân tộc tại chỗ; tranh chấp đất giữa người dân tộc tại chỗ với người di cư tự do… Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong các loại đơn thư, tranh chấp, khiếu kiện, do người dân gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết, có đến 80% đơn thư liên quan đến đất. Từ năm 2011 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp nhận 849 đơn/849 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: cấp tỉnh tiếp nhận 96 đơn/96 vụ việc; cấp huyện tiếp nhận 753 đơn/753 vụ. Nội dung tranh chấp chủ yếu tập trung vào các vấn đề như tranh chấp hợp đồng giao khoán và đòi lại đất; tranh chấp do lấn chiếm đất của các Công ty, Nông, Lâm trường, chuyển nhượng, mua bán đất trái pháp luật; các khiếu nại, tố cáoliên quan đến thu hồi và bồi thường về đất.
Luật sư Tạ Quang Tòng đưa ra ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai(sửa đổi)
Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, giải quyết tranh chấp đất đai là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật, để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích cho người sử dụng đất hợp pháp.
Để giải quyết các tranh chấp về đất, cần lưu ý các đặc điểm cơ bản sau đây: Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật đất đai của Nhà nước; Không chỉ những cơ quan chức năng được giao giải quyết tranh chấp đất đai, mà cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt, cần chú trọng đến vai trò của các cơ chế tự quản trong cộng đồng dân cư đặc biệt là vai trò của Già làng, trưởng buôn tại các vùng người dân tộc cư trú.
Đồng thời, quá trình giải quyết tranh chấp đất đai cần thiết phải chú trọng đến những quy định hợp lý của phong tục, tập quán, quy tắc đạo đức, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nếu không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp về chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp mang tính kinh tế và pháp lý.
Cũng quan tâm đến các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai, Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội chỉ ra rằng, có nhiều hình thức giải quyết tranh chấp được Pháp luật quy định, theo đó:
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp trực tiếp giữa các bên tranh chấp. Đặc điểm của thương lượng là các bên cùng nhau trình bày quan điểm, tìm ra các điểm tương thích, từ đó đi đến thống nhất để giải quyết các bất đồng. Thương lượng là một biện pháp khá phổ biến và thích hợp, để giải quyết tranh chấp do tính chất đơn giản và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý. Biện pháp này đòi hỏi thái độ thiện chí, trung thực, hợp tác, sự hiểu biết nhất định về nội dung từ các bên tranh chấp. Đối với các tranh chấp không đơn giản, mỗi bên có thể tìm kiếm, giới thiệu những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, được thay mặt mình để tiến hành thương lượng. Thương lượng là quá trình trao đổi ý kiến, bày tỏ ý chí, nguyện vọng của các bên, hướng đến một cách giải quyết. Kết quả của thương lượng có giá trị ràng buộc đối với các bên.
Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Một tranh chấp khi đã có người đứng ra làm trung gian để hoà giải, thì quan hệ giữa các bên dễ trở nên thân thiện, nhờ đó, các biện pháp giải quyết dễ được thống nhất. Hình thức của hoà giải cũng linh hoạt và mềm dẻo, các bên dễ trình bày quan điểm. Nếu được thực hiện tốt thì việc hoà giải sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí. Hoà giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính tự nguyện, tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Người thực hiện vai trò trung gian hoà giải phải có vị trí độc lập với các bên đương sự, không liên quan tới lợi ích của các bên tranh chấp.
Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của các trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập, nhằm chấm dứt mâu thuẫn, xung đột,bằng việc đưa ra phán quyết và yêu cầu các bên tranh chấp thi hành. Trong thực tế, phương thức này ít được lựa chọn do kết quả giải quyết không cao, và nhất là không đầy đủ các biên pháp thi hành sau khi có phán quyết của Trọng tài.
Toà án nhân dân là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất và có hiệu quả tích cực, là hình thức giải quyết tranh chấp qua cơ quan quyền lực trung tâm của ngành Tư pháp với chức năng xét xử. Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có giá trị tuyệt đối buộc các bên tranh chấp phải thi hành, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ chế thi hành án sẽ giúp giải quyết trọn vẹn tranh chấp.
Các chuyên gia và các Luật sư cũng nhấn mạnh, hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai mang những mục đích và ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, đây là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thực hiện một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai, được ghi nhận trong Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật. Góp phần vào việc duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đóng góp vào việc nâng cao ý thức pháp luật, không chỉ pháp luật đất đai, cho mọi tầng lớp nhân dân. Góp phần quan trọng vào việc củng cố chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, đồng thời tham gia tích cực vào việc tăng cường đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhất là đối với đất đai.
Hoàn thiện các quy định trong Luật sửa đổi để khắc phục tình trang tranh chấp đất đai hiện nay (ảnh minh họa)
Để góp phần trong việc giải quyết cac tranh chấp đất đang xảy ra tràn lan như hiện nay, các chuyên gia kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành cần chú ý đến một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, Luật sửa đổi đảm bảo thiết kế các quy định về tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến người dân, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất, về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Thứ hai, thiết kế các quy định có liên quan về sắp xếp và tổ chức lại hệ thống các Công ty Lâm nghiệp, Nông nghiệp, các Nông, Lâm trường phù hợp với thực tế và các điều kiện sản xuất; rà soát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Quan tâm đến đời sống của người dân tộc tại chỗ, lưu ý đến sự phát triển dân số tự nhiên, sự hình thành các gia đình trẻ nhưng chỉ biết sản xuất nông nghiệp theo truyền thống. Có chính sách thỏa đáng đối với người dân di cư tụ do, đặc biệt lưu ý đến những người dân di cư tự do là những người dân tộc ở các tình phía Bắc, đang cư ngụ và sinh sống trong điều kiện rất khó khăn ở Tây Nguyên.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, đối với đất nông nghiệp do các Công ty, Nông trường đang quản lý, cần tổ chức rà soát một lần nữa để xác định những diện tích đất dư thừa, chưa khai thác hết, chuyển cho người dân canh tác và giao cho địa phương quản lý. Đối với các Công ty nông nghiệp, các Nông trường đang quản lý đất sản xuất chuyên canh như cà phê, tiêu...
Ở những nơi cần sự có mặt của Nhà nước để dẫn dắt hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiếp tục duy trì các Công ty, các Nông trường do Nhà nước quản lý. Nếu không, thì nên tổ chức lại như một Doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp, hoặc Hợp tác xã, ban điều hành Hợp tác xã sẽ do những người dân canh tác trực tiếp bầu ra từ những người cùng canh tác với mình, sẽ giúp cho người nông dân một cách cụ thể hơn về các nhu cầu sản xuất kinh doanh, với chi phí sẽ ở mức thâp nhất. Nếu không thực sự cần thiết, do người dân đã canh tác nhiều năm, đã có kinh nghiệm torng hoạt động sản xuất kinh doanh, nên mạnh dạn giải tán các Công ty, các Nông trường chỉ làm nhiệm vụ thu địa tô, giao đất cho người nông dân trực tiếp sản xuất dưới sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương.
Đối với đất Lâm nghiệp, cần tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng tinh thông nghiệp vụ hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn, với yêu cầu nhiệm vụ là bảo vệ cây rừng đang sống, chứ không chỉ là nhiệm vụ đi đo đếm những cây rừng đã bị chặt hạ hoặc đã xẻ thành phách. Căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt, đối với đất rừng sản xuất nhưng đang ở trong tình trạng đất trống, trảng cỏ, cây bụi... nên quy hoạch lại, giao cho người dân quản lý và sản xuất, theo hướng dẫn của ngành Lâm nghiệp.
Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các vườn quốc gia, khu bảo tồn... cần tính toán đến việc xây dựng hàng rào để bảo vệ tích cực hơn. Giá trị xây dựng hàng rào bảo vệ sẽ không bao giờ lớn bằng thiệt hại do mất rừng, do rừng bị hủy hoại. Tuyền truyền tích cực về pháp luật bảo vệ vá phát triển rừng, đồng thời xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại rừng, hủy hoại rừng để làm nương rẫy. Ngoài việc xử lý nghiêm khắc bằng các hình phạt như quy định của Bộ Luật Hình sự, cần thiết bổ sung hình phat buộc trồng lại và chăm sóc rừng bị hủy hoại, theo hướng dẫn của cơ quan Lâm nghiệp. Nâng mức trách nhiệm của các chủ rừng, coi việc giữ rừng là mục tiêu duy nhất của việc xác định hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với ngưới dân tộc tại chỗ, xem xét việc tăng dân số tự nhiên, việc hình thành các gia đình trẻ chỉ sản xuất nông nghiệp, cần có biện pháp cho họ có đất ở, đất sản xuất, để nuôi sống gia đình, cần có giải pháp ngăn chận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mới được cấp theo chù trương này.
Đối với người dân di cư tự do, cần có một chính sách hoàn chỉnh cho người dân di cư tự do, trong đó đặc biệt chú ý đến hòan cảnh những người đã di cư đến Tây nguyên, phải giúp họ có đất ở và đất sản xuất, để họ có thể nuôi sống gia đình. Với sự quan tâm của Nhà nước, với bản chất cần cù lao động, cuộc sống của họ sẽ dần ổn định.
Các chuyên gia kỳ vọng, nếu những vấn đề trên được khắc phục trong Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực, chúng ta có quyền hy vọng rằng, những tranh chấp đất đai rồi sẽ được giải quyết triệt để, toàn diện, thỏa đáng, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.