ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

09/03/2023

Sáng 09/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đảng đoàn Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP CỦA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI: HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG TIÊU CỰC, LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Dự phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày tóm tắt Tờ trình về Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, quá trình hoạt động của Quốc hội, công tác truyền thông luôn có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là cầu nối trao đổi thông tin hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân.

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu; bên cạnh đó, còn một số tồn tại, in hạn chế cần có giải pháp để khắc phục. Nghiên cứu kinh nghiệm truyền thông của Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới cho thấy, các cơ quan này luôn quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho công tác truyền thông để phát huy tối đa vai trò của truyền thông trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, các quan hệ xã hội tác phát triển, biến động nhanh, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, đa chiều và phức tạp; trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng được mở rộng; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông mới, tác động sâu sắc đến cách thức tiếp nhận thông tin, nhận thức và xử lý thông tin của công chúng, đòi hỏi việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về Quốc hội cảng cấp thiết hơn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tóm tắt Tờ trình về Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV

Đề án đề ra mục tiêu tổng quát là công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội được thực hiện đúng định hướng, thống nhất, chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần lan tỏa mạnh mẽ vị trí, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thu hút, huy động nguồn lực tri thức, trí tuệ... từ sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân vào hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; xây dựng lòng tin, duy trì cùng cổ mối liên hệ giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri, Nhân dân; tạo sự minh bạch, đồng thuận xã hội đối với các quyết sách của Quốc hội; góp phần giám sát, tăng trách nhiệm cho Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện các quyết sách của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là nội dung thuộc chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhiệm kỳ này để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập các Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Các cơ quan đã làm việc công phu để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu trình xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội.

Gợi ý nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm rõ, truyền thông thì khác với chuyện đưa tin, truyền thông hiểu một cách chính thống là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ để phù hợp với nhu cầu phát triển của một tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực. Nói vắn tắt là quá trình trao đổi và tương tác thông tin. Với cách hiểu như trên thì truyền thông của Quốc hội không phải chỉ có đưa tin mà cần bám vào 6 nhóm vấn đề gồm: nguồn thông tin; nội dung truyền thông; kênh truyền tải; đối tượng tiếp nhận thông tin; cơ chế phản hồi; vấn đề “nhiễu” trong truyền thông và xử lý sự cố truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động Quốc hội là một nguồn thông tin rất lớn, bao hàm tất cả các lĩnh vực, từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng quốc gia, dân nguyện, công tác đối ngoại, công tác tổ chức phục vụ đảm bảo, khối hoạt động của Văn phòng và chính công tác thông tin, truyền thông cũng là một lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.

Truyền thông về Quốc hội, về tổ chức và hoạt động của Quốc hội là của cả nước, trong đó ngoài các cơ quan báo chí của Quốc hội như Báo Đại biểu nhân dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam còn có các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0, các nền tảng số thì kênh thông tin là rất đa dạng, phong phú.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Đề án này cần đánh giá được hiện trạng công tác truyền thông Quốc hội, những ưu điểm, nhược điểm để từ đó xác định cần phải tăng cường năng lực ở nội dung nào, bám sát hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đến từng đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu truyền thông phải có thông điệp. Trong đó, thông điệp phải đơn giản, dễ nhớ, chân thật, đáng tin cậy, hấp dẫn; đồng thời phải phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước, tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, hoạt động của Quốc hội.

Nhấn mạnh Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương là những cơ quan đại diện cho Nhân dân, do đó hoạt động của cơ quan dân cử phải được truyền tải đến người dân và phải có tương tác với cử tri, người dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nhận diện thẳng thắn vào những vấn đề trong công tác truyền thông Quốc hội từ đó chắt lọc đưa ra được kết luận của Đảng đoàn Quốc hội làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo Đề án, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhiều vòng để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo.

Góp ý vào nội dung Đề án, về đánh giá thực trạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận thời gian qua công tác thông tin truyền thông của Quốc hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Nhất là từ khóa XV đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên thông tin từ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các thông tin chuyên đề thực hiện còn chưa tốt. Hạn chế này xuất phát từ thiếu người làm.

Chỉ rõ, trong khi các kênh thông tin của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thực hiện tương đối tốt, lãnh đạo có trang riêng, chuyên trang về cải cách hành chính, chuyên trang về góp ý Nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề liệu Quốc hội có chuyên trang về vấn đề giám sát, chuyên trang về xây dựng pháp luật, chuyên trang về các vấn đề quyết định quan trọng của đất nước, chuyên trang đối ngoại của Quốc hội, chuyên trang về dân nguyện, ý kiến kiến nghị của cử tri không? Đây là những vấn đề cần nghiên cứu để thể hiện trên trang điện tử để người dân dễ tiếp cận.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị chú trọng đến  cơ chế phản hồi thông tin. Điều này đòi hỏi cần có người theo dõi thông tin về lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, cơ chế tiếp thu phản ánh, xử lý thông tin để từ đó ghi nhận những phản ánh đúng, phản bác thông tin sai và xử lý các sai phạm nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời gian qua truyền thông Quốc hội chưa hệ thống, thiết bài bản, thiếu tính chủ động, thiếu sự phản hồi, chưa quan tâm đến nội dung truyền thông. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với Đề án lần này phải kế thừa kết quả đạt được thời gian qua, khắc phục tồn tại hạn chế, đề xuất giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông theo hướng phát triển của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ hơn các mục tiêu cụ thể của Đề án. Từ mục tiêu cụ thể xác định nội dung truyền thong, các kênh truyền thông và các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó bám sát các nội dung hoạt động của Quốc hội để làm nội dung truyền thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng tổ chức thực hiện là khâu quan trọng nhất. Nguồn thông tin, nội dung thông tin là điều rất quan trọng. Tuy nhiên thực tế các cơ quan chưa chú trọng cung cấp thông tin mà dựa vào việc báo chí chủ động tiếp cận. Trong khi muốn thông tin sâu thì hơn hết những người trong cuộc, những người trực tiếp làm phải tham gia, chủ động trong cung cấp nội dung thông tin thì thông tin truyền thông mới sâu cũng như đưa ra được thông điệp. Do đó cần quan tâm sắp xếp, cải tổ lực lượng cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ mới có thể đạt được mục tiêu đề ra nhất là ở hai nhóm vấn đề về thiết kế chiến lược thông tin và sản xuất thông tin.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu theo đúng quy trình để thực hiện đúng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Đề nghị tiếp thu ý kiến Đảng đoàn Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Đề án với tên gọi “Đề án về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác truyền thông về tổ chức và hoạt động của Quốc hội”. Lưu ý, biên tập thiết kế lại bố cục Đề án, hoàn thiện dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm của Đảng đoàn Quốc hội về công tác truyền thông và làm rõ các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Các đại biểu tham dự phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác