LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): ĐỀ XUẤT BỔ SUNG ĐIỀU KHOẢN QUY ĐỊNH VỀ CÁC KHOẢN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ ĐẤT ĐAI

28/02/2023

Góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm: Thu và chi là hai mặt của vấn đề tài chính, do đó nếu chỉ quy định về thu tài chính từ đất đai thì dự thảo luật đang bỏ ngỏ vấn đề chi tài chính từ đất đai. Do vậy cần có điều khoản quy định về các khoản chi ngân sách nhà nước từ đất đai.

LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): TS. CHÂU HOÀNG THÂN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐẤT TRỐNG, HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG ĐẦU CƠ, PHÂN LÔ BÁN NỀN

LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CHÍNH SÁCH VỀ TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Kể từ Luật Đất đai năm 2003 trở lại đây, các vấn đề tài chính về đất đai và giá đất luôn có vị trí hết sức quan trọng trong các thay đổi lớn liên quan đến thương mại hóa quyền sử dụng đất, tiền tệ hóa quyền sử dụng đất, xóa bỏ bao cấp về đất đai. TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu thực tế, đất đai là nguồn lực, nguồn tài chính tiềm năng lớn để xây dựng đất nước. Giá đất đóng vai trò điều chỉnh nguồn lực này vào ngân sách nhà nước. Do đó, quy định về giá đất và tài chính về đất đai có mối liên hệ hữu cơ với nhau để tăng nguồn lực hay gây sự thất thoát của ngân sách nhà nước.

TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị bổ sung điều khoản quy định về các khoản chi ngân sách nhà nước từ đất đai.

TS. Trần Quang Huy cho biết, so sánh giữa Luật Đất đai năm 2013 tại Chương VIII và trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Chương XI có sự thay đổi khá lớn. Luật Đất đai năm 2013 chia thành 3 mục lớn, đó là: khoản thu tài chính từ đất đai, giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất thì Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chia thành 2 mục rõ ràng, đó là các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất. Việc sửa đổi này là chính xác, bởi đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất suy cho cùng chỉ là hình thức giao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, tiếp cận đất đai theo nguyên tắc thị trường hay có tính hành chính từ phía Nhà nước. Vì vậy, ban soạn thảo không quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Chương XI của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là rất logic.

Liên quan đến quy định về khung giá đất, TS. Trần Quang Huy cho biết, trong Luật Đất đai năm 1993 đã quy định về 5 quyền của hộ gia đình, cá nhân, tuyên bố về xóa bỏ bao cấp về đất đai; Nghị định số 80/CP ngày 6/11/1993 của Chính phủ lần đầu tiên quy định về khung giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi. Từ đó đến nay đã gần 30 năm, các Luật Đất đai đều quy định về khung giá đất. Tuy nhiên, với quy định về 7 vùng kinh tế, triển khai ở 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương cho 3 khu vực: đô thị, nông thôn và trung du, miền núi từ mức tối thiểu đến mức tối đa cho từng khu vực, có thể thấy khung giá đất quá thấp dù ở mức tối đa cho từng khu vực trong so sánh với giá đất ngoài thị trường. Đây là thực tế đã xẩy ra suốt 3 thập niên qua, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước khi thu các nghĩa vụ tài chính từ đất đai và gây khiếu kiện kéo dài ở các địa phương khi áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá thấp khi Nhà nước thu hồi đất.

Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất, điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.  

Góp ý về các khoản thu tài chính từ đất đai quy định tại Điều 147 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Trần Quang Huy cho rằng, về cơ bản quy định tại điều này không khác nhiều so với Điều 107 Luật Đất đai năm 2013, có chăng quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng và quy định về điều tiết nguồn thu trong mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương về các khoản thu tài chính từ đất đai. Quy định như vậy sẽ phản ánh đầy đủ quan điểm thu tài chính từ đất đai và thể hiện quan điểm rõ ràng với người sử dụng đất khi không đưa đất vào sử dụng; hoặc đưa đất sử dụng chậm tiến độ của các dự án đầu tư làm lãng phí nguồn lực.

“Theo quan điểm cá nhân, một khi nói đến tài chính chúng ta không chỉ nói đến nguồn thu, mà phải nói đến cả nguồn chi. Thu và chi là hai mặt của vấn đề tài chính, do đó nếu chỉ quy định về thu tài chính từ đất đai thì chúng ta đang bỏ ngỏ vấn đề chi tài chính từ đất đai. Do vậy, tôi đề xuất có điều khoản quy định về các khoản chi ngân sách nhà nước từ đất đai”, TS. Trần Quang Huy nhấn mạnh.

Các khoản chi ngân sách nhà nước từ đất đai gồm: Tiền bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất; tiền bồi thường chi phí di chuyển; tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; các khoản tiền miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tiền chi đầu tư các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các chi phí hành chính triển khai dự án thu hồi đất.

Tài chính đòi hỏi sự minh bạch, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vì vậy ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, bổ sung chặt chẽ các quy định về khoản thu và khoản chi tài chính về đất đai, TS. Trần Quang Huy lưu ý.

 Điều 148 về điều tiết nguồn thu từ đất là quy định hoàn toàn mới trong của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo quy định này, trung ương sẽ điều tiết nguồn thu tài chính từ đất đai để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ chi của các địa phương.Góp ý về quy định này, TS. Trần Quang Huy cho rằng, việc thu từ đất đai trước hết là đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước từ đất đai. Do đó, nguồn thu này cần đảm bảo chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và kinh tế xã hội của đất nước.

Phần còn lại của khoản thu ngân sách nhà nước từ đất đai sẽ sử dụng cho các mục tiêu khác đề cập tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: (1) Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm. (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quy định việc sử dụng một phần nguồn thu từ đất để hỗ trợ cho các cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi.

Điều 149 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định mới được nâng lên thành luật (trước đây quy định trong các văn bản dưới luật), tuy nhiên TS. Trần Quang Huy cho rằng, ban soạn thảo không nên thiết kế thành một điều luật mới, mà nên quy định thành: Khoản 1 Điều 147. Các khoản thu tài chính từ đất đai; khoản 2 Điều 147. Các khoản thu tài chính từ dịch vụ công về đất đai. Các khoản chi tài chính từ đất đai nên thiết kế thành một điều luật mới, như vậy sẽ minh bạch về tài chính từ đất đai gồm 2 điều: thu tài chính từ đất đai và chi tài chính từ đất đai.

Ngoài ra, TS. Trần Quang Huy cũng đồng tình với quy định tại Điều 150 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giá tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải ghi rõ trong các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất với các yêu cầu đặt ra là, giá đất phải được xác  định rõ trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất. Quy định như dự thảo luật thể hiện tính minh bạch về tài chính trong các quyết định về giao đất, cho thuê đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tránh tình trạng giao đất, cho thuê đất mà chưa dứt khoát về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, dẫn tới tùy tiện trong áp giá thu các nghĩa vụ tài chính từ đất đai./.

Lan Hương