ĐOÀN CÔNG TÁC ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG KHẢO SÁT THỰC TẾ VỀ DỰ LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI BÌNH ĐỊNH

24/02/2023

Ngày 24/02, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Lệ Thủy dẫn đầu làm việc, khảo sát thực tế về dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại tỉnh Bình Định.

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: ĐẢM BẢO QUYỀN KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CÁC NHÂN, TỔ CHỨC

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tiếp và làm việc với đoàn.

Đoàn công tác khảo sát bãi giếng khai thác nước dưới đất sông Hà Thanh tại Nhà máy xử lý nước Hà Thanh của Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Senco Bình Định. Ảnh: Ngọc Nhuận

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp 140 giấy phép thăm dò khai thác tài nguyên nước (Bộ TN&MT cấp 10 giấy phép, tỉnh cấp 130 giấy phép); phê duyệt 80 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Bộ TN&MT 14 quyết định, tỉnh 66 quyết định) với tổng số tiền 127,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc khai thác, sử dụng nước, bảo đảm cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ nguồn nước, tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện các biện pháp ứng phó hạn hán, chống ô nhiễm nguồn nước gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng thực hiện một số công trình chuyển nước đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước tại các vùng thiếu nước, như hệ thống đập dâng, kênh mương Văn Phong; đầu tư kinh phí 3.657 tỷ đồng triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình thủy lợi, hồ, đập, kênh thủy lợi, như: Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, đập dâng Văn Phong, đập dâng Lão Tâm… sửa chữa 24 hồ chứa, xây dựng 118,51 km kênh mương, xây dựng 81,18 km đê kè nhằm sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, phòng chống thiên tai, ngăn mặn, đảm bảo cấp nước.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn công tác nêu ra; đồng thời, đề xuất với Đoàn công tác kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nghiên cứu khi xây dựng, ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải đảm bảo việc quy hoạch tài nguyên nước mặt, nước ngầm; quy định quy trình vận hành liên hồ chứa phải chặt chẽ, thống nhất. Nghiên cứu các giải pháp phục hồi hệ sinh rừng, bảo vệ nguồn nước tại các lưu vực nằm trong hành lang an toàn nguồn nước nhằm khai thác bền vững; xem xét hỗ trợ Bình Định nâng cao trình hồ Định Bình…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những cách làm của tỉnh Bình Định trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước. Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đưa vào nội dung dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để thông qua và ban hành.

Trong chuyến làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi khảo sát thực tế và làm việc tại Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), đập dâng Văn Phong (huyện Tây Sơn), bãi giếng khai thác nước dưới đất sông Hà Thanh tại Nhà máy xử lý nước Hà Thanh của Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Senco Bình Định (TP Quy Nhơn) để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, nhằm hoàn chỉnh dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

(Theo Báo điện tử Bình Định)