CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN MANG DẤU ẤN ĐẬM NÉT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NGHỊ QUYẾT 594/NQ-UBTVQH15: PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRONG THỰC TIỄN – NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND
Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Năm 2022, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Nhân dân cùng cấp thực hiện giám sát đối với 04 chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH gồm: (1) Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; (2) Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; (3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; (4) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021.
Trong quá trình thực hiện, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã thực hiện việc giám sát và báo cáo kết quả giám sát gửi Quốc hội khóa XV, gửi Đoàn giám sát của UBTVQH theo Kế hoạch số 80/KH-UBTVQH15 ngày 01/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Công tác phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội đã được HĐND các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao.
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát 02 chuyên đề về: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; UBTVQH tiến hành giám sát 02 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Song hành cùng quá trình này, tại địa phương, HĐND các tỉnh cũng tích cực, chủ động trong công tác phối hợp, và triển khai theo tiến độ của Đoàn giám sát đề ra.
Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Một trong những điểm mới của nhiệm kỳ 2021 -2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành và tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH do Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chủ trì, thành phần có mời Thường trực HĐND cấp tỉnh. Do đó, ngay sau khi được được quán triệt, triển khai Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện giám sát của Quốc hội, UBTVQH đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tiếp đó, ngay sau khi nhận được kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND các tỉnh sẽ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát ngay từ giai đoạn thành lập Đoàn giám sát và xây dựng kế hoạch giám sát; điều hòa bảo đảm cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực; điều hòa đối tượng giám sát tại các cơ quan, đợn vị và địa phương; hạn chế tối đa trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát. Đối với những nội dung giám sát chuyên đề có tính chuyên môn cao, sẽ giao các Ban của HĐND tỉnh tổ chức giám sát và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để xây dựng và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH; những vấn đề nóng được đưa vào thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026
Trên cơ sở kết quả phối hợp cũng như từ thực tiễn triển khai tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đối với nội dung giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Vĩnh Phúc là đối tượng giám sát Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xây dựng báo cáo và gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH theo yêu cầu. Để cso thêm thông tin theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp tham gia giám sát chuyên đề với Đoàn ĐBQH tỉnh thông qua việc cử thành viên Thường trực và Các Ban của HĐND tỉnh tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt hiệu quả cao, quá trình phối hợp với các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội cần linh hoạt để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn quá trình giám sát. Đồng thời, HĐND tỉnh cần giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị giám sát, như: đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát gửi báo cáo, tài liệu phục vụ giám sát,…
Bên cạnh đó, quá trình phối hợp HĐND cấp tỉnh cần học tập và phát huy kinh nghiệm hay, bài học quý của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội để vận dụng trong thực tiễn hoạt động giám sát, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh.
Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng, để đảm bảo hiệu quả sau giám sát, căn cứ vào các kiến nghị tại các nghị quyết, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực HĐND cấp tỉnh phân công các Ban và Văn phòng theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các kiến nghị sau giám sát có liên quan tại địa phương ./.