SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ

22/02/2023

Thế chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa là nhu cầu tự thân, vừa là yêu cầu khách quan của công cuộc phát triển kinh tế tập thể của nước ta; sửa luật cần tạo ra hành lang pháp lý “đủ thông thoáng” để phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã.

TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, ở nước ta những hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên được thành lập với mục đích tập trung sức người, sức của để phục vụ sản xuất và chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng sau đó, khi hòa bình lập lại, mô hình này không còn phù hợp vì vậy năm 2003 Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội ban hành.

Theo đó, hợp tác xã được xác định là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong nền kinh tế. Đến năm 2012, Luật Hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới, nhờ vậy khu vực kinh tế hợp tác xã trong cả nước có chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Kể từ khi sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, tính đến năm 2022 cả nước đã thành lập mới gần 2.200 hợp tác xã, đạt trên 109% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đến nay, cả nước có tổng cộng trên 29.000 hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động. Cả nước hiện có 125 Liên hiệp Hợp tác xã (có 17 Liên hiệp hợp tác xã được thành lập mới), trung bình có 6 hợp tác xã tham gia Liên hiệp hợp tác xã, tạo việc làm cho 39.750 lao động. Doanh thu bình quân của các Liên hiệp hợp tác xã là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mô hình hợp tác xã đã bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, điển hình là hành lang pháp lý bị bó hẹp, cơ chế chính sách không đồng bộ, thiếu hấp dẫn không đi vào cuộc sống; việc tuyên truyền phổ biến Luật Hợp tác xã mới chỉ đến được giám đốc Hợp tác xã, chưa đến được thành viên Hợp tác xã và người dân;  số lượng thành viên trung bình của một HTXNN có xu hướng giảm dần; năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành hợp tác xã nhìn chung, còn nhiều hạn chế; việc chuyển đổi tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hạn chế; quản lý nhà nước về hợp tác xã chưa được kiện toàn…

Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trung ương đã nhận định: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết 20-NQ/TW nêu rõ quan điểm, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2030. Theo đó, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận...

Nghị quyết số 20-NQ/TW giao Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; bố trí thích đáng ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể.

GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Nghị quyết 20-NQ/TW đã mở ra tầm nhìn mới, tạo ra động lực và nguồn lực mới cho phát triển hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp. Để Hợp tác xã nông nghiệp có thể phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế, đáp ứng mong mỏi và chờ đợi của hàng triệu hộ nông dân trên khắp các vùng miền của Tổ Quốc, rất cần một hệ thống chính sách cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết này, để mọi người, từ các cấp các ngành và từng người nông dân đều có thể hiểu đúng và làm đúng theo các mục tiêu, quan niệm, cách tiếp cận và các khái niệm của đảng về hợp tác xã nông nghiệp, khi ấy hợp tác xã nông nghiệp trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

“Bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, quan điểm chỉ đạo mới, nên mục đích và mục tiêu của việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn mới tất yếu phải có các “đích đến” mới. Vì vậy, việc tạo ra hành lang pháp lý mới “đủ thông thoáng” để phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã, với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa là nhu cầu tự thân, vừa là yêu cầu khách quan của công cuộc phát triển kinh tế tập thể của nước ta”, GS.TS Trần Đức Viên chia sẻ.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với nhiều điểm mới. Theo đó, Dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua: Chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Chia sẻ quan điểm về định hướng khi sửa đổi Luật Hợp tác xã, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, hợp tác xã cần lấy lợi ích kinh tế làm nền tảng để thực hiện các mục tiêu cộng đồng. Cụ thể, trong các văn bản luật và dưới luật tiếp tục khẳng định hợp tác xã có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường sau khi đã đáp ứng nhu cầu của thành viên, vì hầu hết thành viên hợp tác xã là các hộ nông dân nhỏ, không đủ quy mô để sản xuất hàng hóa và họ tham gia hợp tác xã với kỳ vọng là “hợp tác, tương trợ lẫn nhau”. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp trước hết cần thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của thành viên, sau đó được phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường để tìm kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây sẽ là điểm tựa để hợp tác xã nông nghiệp gắn bó lâu dài với nông dân, tăng thu nhập cho các thành viên, mở rộng quy mô hợp tác xã. Khi lợi ích kinh tế được đảm bảo và hoạt động có hiệu quả, hợp tác xã hội nghiệp mới có điều kiện để thực hiện các mục tiêu xã hội, cộng đồng.

GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Việc sửa đổi luật cần đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ và rõ ràng trong hệ thống văn bản pháp luật để ai cũng có thể hiểu đúng, làm đúng, tránh suy diễn tùy tiện, hoặc là nhầm lẫn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, hoặc là coi hợp tác xã thấp hơn doanh nghiệp, hay tình trạng doanh nghiệp “núp bóng” hợp tác xã. Đối với hợp tác xã nông nghiệp có tính đặc thù và chiếm phần lớn trong tổng số hợp tác xã cần có Luật riêng; nếu chưa thể xây dựng thì cần có hệ thống các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện riêng. Trong quá trình thực hiện, cần chấm dứt tình trạng nhà nước làm hộ hay quyết định thay, mà nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ hợp tác xã, còn hoạt động sản xuất kinh doanh do hợp tác xã quyết định, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW…

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sớm kiện toàn năng lực, chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Nỗ lực tìm kiếm, huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển cho khu vực hợp tác xã, nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân hợp tác xã, nhất là các thành viên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Liên minh Hợp tác xã các cấp, nhất là các tỉnh triển khai quyết liệt các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho lực lượng lãnh đạo các hợp tác xã, nhằm nâng cao trình độ quản lý tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế hợp tác trong điều kiện hiện nay. Các hợp tác xã chủ động trong việc huy động vốn từ thành viên, các nguồn tín dụng khác cho đầu tư phát triển; tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kế hóa sản xuất tiêu thụ và xã hội hóa đầu tư…/.

Lan Hương