ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA UỶ BAN VĂN HOÁ GIÁO DỤC LÀM VIỆC TẠI ĐÀ NẴNG

17/02/2023

Sáng 16/02, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc tại thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hoá, du lịch.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND Tp.Đà Nẵng

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, Đoàn khảo sát đã nghe báo cáo việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT), Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.

Các thành viên Đoàn khảo sát

Nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục cũng được Sở GDĐT, phòng GDĐT tập huấn trong các mô đun Chương trình GDPT 2018. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, trường học đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đổi mới về quản trị… Nhìn chung, Đà Nẵng đảm bảo khá tốt về cơ sở vật chất, nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, các trường vẫn gặp phải tình trạng thiếu giáo viên ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật của bậc tiểu học, đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên dạy tổ hợp khoa học tự nhiên.

Phát biểu ý kiến, ông Đỗ Chí Nghĩa – Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cùa Quốc hội bày tỏ, “chúng ta đang thiếu giáo viên, nhưng tình trạng thừa cục bộ cũng đang diễn ra. Vậy cơ chế đặt hàng Đà Nẵng có thực hiện được không? Tôi đi nhiều địa phương thì không đặt hàng được và ngần ngại trong việc đặt hàng bởi rủi ro. Bỏ ngân sách nhà nước ra mà sinh viên không quay trở lại thì sao?”

   

Bà Lê Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng

Giải thích cho vấn đề này, bà Lê Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại cái môn dạy chung cho cả 3 môn thì các trường đại học mới chỉ có 1 hay vài trường có khoá đào tạo dạy liên môn. Chương trình dạy đó cũng mới bắt đầu và hiện tại vẫn là dạy riêng lẻ từng môn. Do đó các trường mới sắp xếp là tuỳ theo tính chất bộ môn. Ví dụ môn khoa học tự nhiên đó, tỷ lệ bài dạy môn Lý cao hơn thì sẽ bố trí giáo viên Lý dạy và dạy nguyên cả cụm môn đó”.

Tại buổi làm việc, UBND thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ những khó khăn khi vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tinh giản biên chế, vừa xã hội hoá giáo dục.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Hiện  Đà Nẵng dành nguồn lực rất lớn cho giáo dục. Trung bình mỗi trường được thành phố hỗ trợ 100 triệu đồng/trường để làm các sửa chữa nhỏ, hoặc để tuyển thêm giáo viên hợp đồng. Giáo dục sắp tới đây sẽ thực hiện giảm biên chế. Vậy nên thành phố cũng thống nhất chủ trương dùng ngân sách của thành phố để hợp đồng giáo viên, để đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng tôi phải đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục bởi tự chủ giáo dục ở đây gặp khó khăn. Tự chủ y tế đã là nhưng chưa phải thành công lắm, chúng tôi muốn xã hội hoá giáo dục nhưng xã hội hoá giáo dục lại gắn liền với vấn đề đất đai, lại dính tới đấu giá, đấu thầu…

Trao đổi tại cuộc làm việc, Đoàn khảo sát đặt vấn đề, hiện nay giáo dục mầm non ở Đà Nẵng là điểm sáng. Thực tế hiện nay là người lao động, công nhân làm thêm giờ, nhân viên làm theo ca… Do đó nhu cầu phải gửi con ở độ tuổi mầm non từ 3-5 tuổi rất cao. Mô hình điểm trông trẻ về bản chất rất linh hoạt và đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, thế nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế, cũng có những vụ việc không hay xảy ra. Đà Nẵng đã có định hướng như thế nào về vấn đề này?

Trên lĩnh vực văn hoá, hiện Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 84 di tích các cấp, 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, 6 di tích văn hoá phi vật thể và 6 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Với nhiều địa phương khác, đây là con số khiêm tốn, nhưng với một thành phố lấy Du lịch làm mũi nhọn, đây là nền tảng rất quan trọng để thành phố phát triển ngành công nghiệp văn hoá. Song quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn kinh phí, các quy định cho phát triển văn hoá…

Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, theo mô hình tổ chức, Đà Nẵng có Trung tâm văn hoá cấp xã phường, tuy nhiên lại không có biên chế để giao. Thế nên đồng chí Phó Chủ tịch văn xã của phường phải kiêm giám đốc trung tâm văn hoá. Cán bộ văn hoá phường làm phó quản lý. Cơ cấu này tạo nên sự đan xen, chồng chéo về mặt quản lý rất là nhiều, không có tính chính thống về bộ máy. Đây là đơn vị sự nghiệp hay là 1 đơn vị trực thuộc UBND phường?”

Đà Nẵng đã có Đề án về phát triển văn hoá đồng bộ với phát triển kinh tế và dành nguồn lực tương xứng để bảo tồn, giữ gìn văn hoá, kêu gọi xây dựng trung tâm điện ảnh, phát triển công nghiệp văn hoá…với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Đà Nẵng có cả đề án về văn hoá riêng cho thành phố rồi. Nói chung là về mặt thể chế hoá chủ trương cho thấy thành phố làm rất đầy đủ. Thứ 2 là biện pháp cũng rất rõ ràng. Nhưng để văn hoá trở thành một kết quả cụ thể thì không dễ, góc độ nào đó còn cần kiên trì hơn cả giáo dục. Thách thức như vậy nhưng nếu chúng ta chú ý thì sẽ làm được”.

Dự án Làng đại học Đà Nẵng – một dự án giáo dục đã treo hơn 25 năm tiếp tục được Đoàn khảo sát của Uỷ Ban Văn hoá – giáo dục đề cập với UBND thành phố. Hiện dự án này ở phía Đà Nẵng đã cơ bản giải quyết xong các vướng mắc, khó khăn còn lại là kinh phí cho giải phóng mặt bằng ở phía Quảng Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong buổi làm việc chiều cùng ngày với Đại học Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng đề nghị Đoàn khảo sát có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Trung ương bổ sung thêm gần 5.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng gần 200ha còn lại, và 2.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị thành viên ĐHĐN để phát triển đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy định các trường Đại học công lập thực hiện tự chủ bị cắt kinh phí chi thường xuyên mà không được tăng học phí. Như vậy các trường tự chủ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, khó thu hút nhân tài./.

Mỹ Phượng

Các bài viết khác