Ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Giáo dục nghề nghiệp luôn là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại các phiên chất vấn cũng như các phiên thảo luận tại hội trường về lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tại Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã tổng kết các nhóm vấn đề và các giải pháp đáng lưu ý về đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý những nhóm giải pháp quan trọng, trong đó, trước hết cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo nghề nói chung và cho từng đối tượng cho thanh niên; xây dựng đồng bộ 08 chính sách đã được quy định tại Luật Thanh niên; tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; nâng cao giá trị xã hội của công tác đào tạo nghề cho thanh niên gắn với dự báo nhu cầu thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình và phương thức đào tạo phù hợp, hiệu quả, đối với từng trình độ, lĩnh vực, đối tượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế - xã hội; nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo ngắn hạn đối với lực lượng lao động đang trực tiếp sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đáp ứng với đòi hỏi đa tầng của trình độ lực lượng sản xuất - trình độ công nghệ và đặc điểm của các vùng, lĩnh vực trong giai đoạn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Ngoài ra, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo khởi nghiệp cho thanh niện học nghề để giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển công tác tạo nghề cho thanh niên.
Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về đổi mới, tăng cường công tác đào tạo nghề trong tình hình mới. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát Luật có liên quan như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Luật Thanh niên…; bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, chính sách tạo thuận lợi cho việc đào tạo nghề. Ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; rà soát, điều chỉnh ban hành cơ chế, trong đó có các chính sách miễn giảm học phí cho thanh niên học nghề; chính sách về đào tạo lại, đào tạo lại cho thanh niên thuộc các nhóm đối tượng thanh niên; có cơ chế để lồng ghép các hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên trong các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; thực hiện chính sách phổ cập nghề cho thanh niên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo các cơ quan có liên quan sơ kết, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật thanh niên... để đề xuất bổ sung, sửa đổi phù hợp với bối cảnh mới; hoàn thiện và ban hành các chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045; lồng ghép các hoạt động có liên quan trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp với các hoạt động trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam; hoàn thiện và ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn tới, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị chỉ đạo triển khai hiệu quả các nội dung liên quan tới đào tạo, đào tạo lại nghề cho thanh niên trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện công tác dự báo về nhu cầu và sự thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực ở cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương, cấp ngành; hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ các gói tín dụng vay ưu đãi cho thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng
Vừa qua, theo tinh thần đó, nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Luật, Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Về mục tiêu cụ thể, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu của thực tế hiện nay
Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.
Tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để đạt được mục tiêu này, Quy hoạch đã đề ra nhiệm vụ cụ thể. Trước hết, về cơ chế, chính sách, cần rà soát, hoàn thiện chính sách đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch. Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.
Bên cạnh đó, về phát triển nguồn nhân lực, cần bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề; tổ chức, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo việc làm phù hợp và các chế độ, chính sách, quyền lợi đối với nhà giáo; ưu tiên nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, ưu tiên nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngành, nghề mới mà xã hội có nhu cầu.
Ngoài ra, Quy hoạch cũng nêu rõ cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề. Hình thành mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường năng lực các cơ sở thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng phù hợp với cơ cấu các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo và phân bổ hợp lý theo vùng miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.