PHÂN RÕ TRÁCH NHIỆM, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

12/02/2023

Tại Phiên họp lần thứ 20 sắp tới, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Tham gia ý kiến về dự án Luật này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cùng các chuyên gia cho rằng cần xác định rõ các nguyên tắc làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó, cần Phân rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự.

XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ DÂN SỰ: QUẢN LÝ CHẶT CHẼ CÁC YÊU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẢM BẢO AN NINH

Bổ sung, làm rõ khái niệm phòng thủ dân sự

Tại Phiên họp lần thứ 20 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Dự án Luật này đã được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, và dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Là một dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới việc đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án Luật Phòng thủ dân sự nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các đại biểu Quốc hội.

Quan tâm đến dự án Luật này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 trong Dự thảo Luật cần sửa lại như sau: Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự; vai trò của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Kỳ họp thứ 4

Về giải thích từ ngữ, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần bổ sung làm rõ khái niệm phòng thủ dân sự, trong đó cần phải khẳng định, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, xác định rõ phòng thủ dân sự là hoạt động thường xuyên với các giải pháp và biện pháp cụ thể, với tất cả nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nhằm phòng ngừa – ứng phó – khắc phục hậu quả về kinh tế, xã hội và hậu quả liên quan đến con người do thiên nhiên (bão tố, sấm sét, sóng thần, lở đất, lũ lụt…) và con người gây ra (cháy, nổ, chiến tranh, vỡ đập nước, phá dỡ công trình …).

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cùng các chuyên gia lưu ý cần cân nhắc quy định nội hàm của “Đối tượng dễ bị tổn thương”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật phòng chống thiên tai: “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo”.

Tuy nhiên, đó là đối tượng dễ bị tổn thương khi đối mặt với “thiên tai”. Khi xây dựng Luật phòng chống thiên tai, nhà làm luật chưa nghiên cứu bao quát hết các tình huống ngoại vấn đề “thiên tai”. Nếu đưa nguyên vẹn hoặc chỉ phụ thuộc lớn vào khái niệm của Luật Phòng chống thiên tai thì sẽ chưa đầy đủ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng

Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Luật Phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, bao quát cả vấn đề thiên tai, chiến tranh, sự cố…Vì vậy cần phải xác định đầy đủ, toàn diện các đối tượng dễ bị tổn thương. Ví dụ, trước chiến tranh thì không chỉ người già, trẻ em, phụ nữ…mà bất kỳ ai cũng có thể là “đối tượng dễ bị tổn thương”, vì chiến tranh, bom đạn, vũ khí…đều là nguồn nguy hiểm rất cao, không thể dựa vào sức khỏe để nói là không bị tổn thương, thậm chí tránh được cái chết. Hoặc đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống trên vùng núi cao đều có thể là nạn nhân của lũ quét, sạt lở đất, vỡ đập hồ nước, …

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, phương pháp khắc phục là có ý “quét” ở quy định về “Đối tượng dễ bị tổn thương”, chẳng hạn: và các đối tượng khác/ và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ khắc phục được những đối tượng bị “sót” do phương pháp liệt kê, đồng thời dự liệu đó bảo đảm tính bao quát hơn. Quy định như vậy cũng thể hiện tính pháp điển, khẳng định được giá trị của Luật này, với tính chất là luật ban hành sau, có điều kiện hoàn thiện hơn các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành cho từng lĩnh vực, từng đối tượng riêng lẻ.

Phân rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự

Đối với khái niệm “Công trình phòng thủ dân sự là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phục vụ cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố được cấp có thẩm quyền cho phép” (khoản 5 Điều 2), Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng giải thích như vậy chưa hợp lý. Công trình phòng thủ dân sự như trên là hiểu theo nghĩa rất hẹp, chưa bao quát. Một công trình phòng thủ dân sự không chỉ được xây dựng nhằm riêng một mục đích là để “phục vụ cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố”. Trên thực tế cũng như về khía cạnh lý luận, bất kỳ công trình xây dựng nào phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại đều có thể được sử dụng cho mục đích “phòng thủ dân sự”. Không thể chỉ xây dựng riêng các “công trình phòng thủ dân sự” độc lập, cho mục tiêu “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố”. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định khái niệm nêu trên đảm bảo tính bao quát hơn.

Cùng với đó, Phó Trưởng Ban Dân nguyện chỉ ra rằng, việc sử dụng cụm từ “được cấp có thẩm quyền cho phép” là chưa hợp lý, bởi vì, trên thực tế có những công trình phòng thủ dân sự do gia đình, cá nhân hoặc nhóm dân cư xây dựng để sử dụng trong phạm vi nhất định, không ảnh hưởng tới các hoạt động phòng thủ, kinh tế, xã hội thì không cần phải xin phép chính quyền. Ví dụ, người dân hầm trú ẩn bom đạn trong gia đình, hoặc để bảo đảm chống lở đất, người dân miền núi xây tường kiên cố trên khu đất ở, khu vực dân cư nhất định…thì khôg cần phải xin phép và được “cấp có thẩm quyền cho phép”. Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, quy định như vậy rõ ràng không thực tế, và có phần máy móc. Vì như trên đã đề cập, công trình phòng chủ dân sự không chỉ là chỉ để “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố” mà đó chính là công trình dân sinh cần thiết, đa mục tiêu, kết hợp giữa đời sống và “phòng thủ dân sự”, không vi phạm pháp luật, thậm chí cần khuyến khích cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư chủ động xây dựng, góp phần vào hệ thống phòng thủ dân sự chung.

Do đó, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị thay thế cụm từ “được cấp có thẩm quyền cho phép” bằng cụm từ “phù hợp với quy định của pháp luật”. Cùng với đó, liên quan đến vấn đề này, Luật cần xây dựng theo hướng: quy định rõ các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể về các công trình phòng thủ dân sự, tùy tính chất và cấp độ nhất định (có thể xếp hạng), để căn cứ vào đó xác định loại nào, tính chất và cấp độ nào phải được phép của cơ quan có thẩm quyền thì chủ thể mới được tiến hành xây dựng.

Về Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định tại Điều 3, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng đây là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Vì vậy, cần quan tâm xác định rõ những vấn đề có tính nguyên tắc như: Nguyên tắc quan trọng nhất, hàng đầu là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật cao trong phòng thủ dân sự; Nguyên tắc Phòng thủ dân sự là hoạt động thường xuyên, chủ động của cả hệ thống chính trị, nhà nước và toàn xã hội; Nguyên tắc Huy động mọi nguồn lực, sử dụng mọi giải pháp và biện pháp để thực hiện phòng thủ dân sự; Nguyên tắc Phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, bảo đảm hiệu quả; Nguyên tắc Ưu tiên các hoạt động phòng thủ dân sự trong tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị bổ sung quy định cấm “tham nhũng, lãng phí” trong thực hiện phòng thủ dân sự vào khoản 6 Điều 8. Các công trình phòng thủ dân sự được xây dựng, quản lý, sử dụng có thể là công trình đa mục tiêu, thậm chí hầu hết là công trình đa mục tiêu. Quá trình xây dựng, vận hành cần phải phòng chống tham nhũng, lãng phí để bảo đảm quy cách, chất lượng và xác định yếu tố nêu trên ngay trong Luật này làm cơ sở xem xét trách nhiệm theo pháp luật.

Minh Hùng