NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN VÀ TÍNH NGHIÊM MINH CỦA PHÁP LUẬT

12/02/2023

Tại Phiên họp lần thứ 20 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Đây là một trong những nội dung quan trọng, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm với hy vọng sẽ tạo cơ sở vững chắc để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT: LÀM RÕ ĐỐI TƯỢNG BỊ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật

Tại Phiên họp lần thứ 20 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước đến các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước, tính nghiêm minh của Luật Kiểm toán nhà nước.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Kiểm toán nhà nước là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn cao, thể hiện ở khía cạnh: Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước có đối tượng và phạm vi rất rộng, bao gồm mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công. Trong Luật Kiểm toán nhà nước, đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đây chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.

Về nội dung Pháp lệnh, Kiểm toán nhà nước đã có văn bản lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nhằm cụ thể hóa Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước (có hiệu lực thi hành 01/7/2020); Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đồng thời, thông qua thực tiễn hoạt động của kiểm toán nhà nước và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); góp phần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nhà nước,… Việc ban hành Pháp lệnh cũng hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Pháp lệnh xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính nói chung và trong hoạt động Kiểm toán nhà nước nói riêng, kinh nghiệm xử phạt hành vi vi phạm hành chính từ thực tiễn hoạt động của các lĩnh vực tương đồng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Bổ sung đầy đủ căn cứ ban hành dự thảo Pháp lệnh

Tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo pháp lệnh, nhiều chuyên gia cho rằng cần bổ sung quy định về quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng thi hành quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Đối với các nội dung cụ thể, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum Đỗ Văn Nhân cùng các chuyên gia đề nghị bổ sung căn cứ ban hành dự thảo Pháp lệnh cho đầy đủ như sau: "Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020".

Bên cạnh đó, Điều 6 dự thảo Pháp lệnh quy định về hình thức xử phạt nhưng chưa quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, vì vậy, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đề nghị bổ sung vào Điều 6 dự thảo Pháp lệnh về các biện pháp khắc phục hậu quả.

Việc ban hành Pháp lệnh cũng hướng tới nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật (Ảnh minh họa)

Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 dự thảo Pháp lệnh quy định về mức phạt tiền có nêu rõ, mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Pháp lệnh này là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với cá nhân là 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 7 dự thảo Pháp lệnh vì đã được quy định tại khoản 1 Điều 7 và quy định cụ thể mức phạt tiền tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của dự thảo Pháp lệnh.

Cùng với đó, điểm đ, khoản 2 Điều 8 dự thảo Pháp lệnh quy định xử phạt đối với hành vi "Không ký vào biên bản kiểm toán". Nhiều nhà quản lý, chuyên gia đề nghị xem xét lại việc xử phạt đối với hành vi này, vì không ký vào biên bản kiểm toán là nghĩa vụ của đối tượng kiểm toán được quy định tại Điều 57 Luật Kiểm toán nhà nước, không phải là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Luật Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, việc không ký vào biên bản kiểm toán có thể có nhiều lý do như: Khuyết người đại diện theo pháp luật của đối tượng kiểm toán hoặc đối tượng kiểm toán không thống nhất với nội dung biên bản kiểm toán nên không ký vào biên bản. Và trong một số trường hợp, đối tượng kiểm toán không ký thì biên bản kiểm toán vẫn có hiệu lực nếu đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Do đó, cần xem xét đưa ra khỏi dự thảo Pháp lệnh đối với hành vi "Không ký vào biên bản kiểm toán".

Khoản 2 Điều 11 dự thảo Pháp lệnh quy định: "Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập biên bản và chuyển hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này ra quyết định xử phạt". Về quy định này, các chuyên gia đề nghị biên tập lại khoản này như sau: "Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này để ban hành quyết định xử phạt".

Ngoài ra, Điều 14 dự thảo Pháp lệnh quy định: "Kiểm toán trưởng có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính". Các chuyên gia đề nghị bổ sung Điều này như sau: "Kế toán trưởng có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.".

Minh Hùng