QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 09/02/2023
*Sáng ngày 10/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Uỷ ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức.
Cho ý kiến về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tháng 12/2022, Tổng Thư ký IPU đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội và bày tỏ vô cùng hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn nghị sĩ trẻ toàn cầu, nhận định Hội nghị rất thích hợp tổ chức tại Việt Nam và tin tưởng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, mục tiêu của Hội nghị Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu là tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện, đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm. Do đó, cùng với các nghị sĩ trẻ, Hội nghị cần nhấn mạnh vai trò và thu hút sự tham gia của giới trẻ. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu của Hội nghị, vừa phát huy được thế mạnh đặc biệt của tổ chức thanh niên Việt Nam...
Xem nội dung chi tiết tại đây: QUỐC HỘI VIỆT NAM SẼ ĐĂNG CAI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ DIỄN ĐÀN NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9
* Ngày 10/2, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đánh giá cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo, Tổ biên soạn làm việc tích cực khẩn trương để hoàn thiện các công việc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ 06 quan điểm hiện có trong quá trình xây dựng Đề án, đồng thời bổ sung quan điểm về hợp tác quốc tế, truyền thông hiện đại, truyền thông tương tác hai chiều, đa dạng hóa, phong phú các hình thức truyền thông, trên cơ sở liên tục có sự đo lường, đánh giá sự hài lòng của cử tri, Nhân dân trước thông tin truyền thông về hoạt động của Quốc hội. Rà soát những hạn chế, tồn tại trong công tác truyền thông; chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, cốt lõi để từ đó đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược, đảm bảo thực chất, hiệu quả...
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: ĐA DẠNG, PHONG PHÚ CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
*Ngày 10/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các cơ quan trong việc chuẩn bị báo cáo về việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến các công việc triển khai trong thời gian tới.
Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong lĩnh vực này tham mưu cho Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3 để tổ chức thẩm tra theo quy định.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2023 và đề xuất đưa vào chương trình của năm 2023 và 2024. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ để đôn đóc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình bảo đảm tiến độ.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỀ CHUẨN BỊ LẬP DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024
* Sáng 10/02, tại Nhà Quốc hội, phát biểu kết luận buổi làm việc với các cơ quan về việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thông qua tổng kết lần này nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, tuyên truyền và giáo dục ý thức, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp là nội dung vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn và là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việc tổng kết này là dịp để nhìn lại 10 năm qua đã thực hiện được những gì, những gì chưa làm được và còn cần phải làm những gì để thúc đẩy thực hiện Hiến pháp tốt hơn, xây dựng phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thông qua tổng kết để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, tuyên truyền và giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Để tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch và đề cương tổng thể có tính chất định hướng trong triển khai thực hiện. Trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, thời hạn, phân công trách nhiệm… Trên cơ sở kế hoạch tổng thể đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan ban hành kế hoạch cụ thể của cơ quan mình để thực hiện, xây dựng báo cáo của cơ quan mình, ngành mình bám sát các nội dung được Hiến pháp quy định.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH HIẾN PHÁP LÀ DỊP ĐỂ TÔN VINH VÀ GIÁO DỤC TINH THẦN THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP, PHÁP LUẬT
*Chiều tối 09/02, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Tổ trưởng Tổ Công tác của UBTVQH thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã tổ chức cuộc gặp mặt, tổng kết, tri ân các thành viên Tổ công tác, Cơ quan Thường trực của Tổ công tác, Nhóm Nghiên cứu, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân, đơn vị có liên quan đã đồng hành với Tổ công tác trong suốt thời gian hoạt động.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Tổ trưởng Tổ Công tác đánh giá, Tổ Công tác đã cơ bản bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch Quốc hội, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của các địa phương, cử tri cả nước. Tổ Công tác đã phát huy được trí tuệ, tinh thần cống hiến, tận tâm của tập thể, của các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên Tổ Công tác cũng như Nhóm nghiên cứu, triển khai các hoạt động với tinh thần 24/7 liên tục, tích cực, thiết thực, chất lượng và hiệu quả để trực tiếp phục vụ cho công tác hoạch định, quyết định các chính sách chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ công tác, Nhóm Nghiên cứu đã tận tâm, tích cực trong suốt quá trình hoạt động của Tổ Công tác và mong các thành viên Tổ Công tác sẽ tiếp tục đóng góp cho các hoạt động của Quôc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt khi Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trong năm 2023.
Xem nội dung chi tiết tại đây: GẶP MẶT TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG TỔ CÔNG TÁC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
* Để có cơ sở tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chiều ngày 10/2 tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc với các cơ quan hữu quan nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung về dự thảo Nghị định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 08/2 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức Phiên hộp toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tờ trình của Chính phủ. Tại phiên thẩm tra này, nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đề nghị ban hành Luật điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân, vì cho rằng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân có liên quan trực tiếp đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp thì phải quy định trong luật.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC HỌP THỐNG NHẤT NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN
* Sáng 10/02, tại Trụ sở Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về dự kiến Chương trình Xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023 và công tác phối hợp giữa 02 cơ quan trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng chủ trì cuộc làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong năm 2022, Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, qua đó hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó và phức tạp, được Lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, trong năm 2023, Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các mặt công tác, cả về xây dựng pháp luật lẫn giám sát. Đối với công tác xây dựng pháp luật, 02 cơ quan vẫn cần tiếp tục phối hợp để nghiên cứu xây dựng các dự án Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực y tế và dân số như các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược, Luật Dân số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác (sửa đổi), Luật trang thiết bị y tế…
Xem nội dung chi tiết tại đây: THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ Y TẾ
*Nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, tổ chức công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế đã có văn bản số 1582/UBKT15 ngày 08/02/2023 gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó đưa ra một số đề nghị đối với công tác này.
Văn bản số 1582/UBKT15 của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ cơ quan, tổ chức chậm, chưa triển khai, việc triển khai mới dừng ở ban hành kế hoạch; đồng thời có chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật, nhất là những vấn đề cần tập trung trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN KINH TẾ ĐỀ NGHỊ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
* Lấy ý kiến nhân dân là một trong những khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật. Do đó, để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, một trong những yêu cầu đặt ra là cần bảo đảm thực thi và tiếp tục hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, thực chất.
Việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo luật, pháp lệnh,…có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây chính là kênh thông tin quan trọng để xây dựng chính sách, pháp luật. Trong quá trình triển khai trên thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân đối với những văn bản pháp luật quan trọng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về hình thức lấy ý kiến, công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến;… Vì vậy, để người dân có nhiều cơ hội hơn được tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách, pháp luật; góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả rất cần có thêm các cơ chế, hình thức lấy ý kiến đảm bảo hiệu quả, thực chất.
Theo GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần có các quy định và thực hiện tốt khâu tổ chức để thực thi các quy định về việc Nhân dân phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu ý dân về dự thảo Luật. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, ví dụ bằng phương pháp bỏ phiếu trực tuyến, các hoạt động thăm dò dư luận,… Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện để nhân dân tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể, trước hết là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN CƠ CHẾ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
* Sáng ngày 10/2, tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã chủ trì buổi tiếp công dân. Đây là hoạt động tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo Ban Dân nguyện.
Tại buổi tiếp, một loạt các vấn đề nổi cộm đã được người dân đề cập, trong đó ông Nguỵ Phước Yên - đại diện của Công ty Yên Phước có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên kiến nghị về việc, ngày 25/08/2021 cơ quan điều tra C03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Châu Mỹ Linh – Giám đốc công ty và một số nhân viên về 02 tội danh vi phạm về nghiên cứu thăm dò, khai thác tài nguyên và mua bán vật liệu nổ. Theo đại diện của công ty, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án còn nhiều điểm mâu thuẫn. Về việc này, ông Nguỵ Phước Yên đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng có liên quan. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không có bất kỳ cơ quan nào phản hồi kiến nghị và vụ việc vẫn rơi vào im lặng.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp nhận và trao đổi làm rõ hơn những kiến nghị của người dân và giao Vụ Dân nguyện (Văn phòng Quốc hội) nghiên cứu và chuyển đơn đến các cơ quan chức năng có liên quan xem xét và giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN LƯU BÌNH NHƯỠNG CHỦ TRÌ BUỔI TIẾP CÔNG DÂN ĐỊNH KỲ
* Dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, và tiếp tục được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều đại biểu và chuyên gia cho rằng cần xác định rõ các nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá; tránh những cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật.
Theo các đại biểu và chuyên gia, Dự án Luật Giá (sửa đổi) được coi là luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN XÁC ĐỊNH RÕ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)
* Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức”. Chưa đồng tình với sửa đổi này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, cần mở rộng phạm vi "người tiêu dùng" không chỉ bao gồm cá nhân mà cả tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Tại Việt Nam, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999. Tiếp đó, để tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, ngày 17/11/2010, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết và kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện nay, vừa qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Một trong những điểm mới trong sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi người tiêu dùng quy định như trong dự thảo là chưa đầy đủ, người mua dù là tổ chức hay cá nhân, nếu quyền lợi bị xâm phạm đều phải được pháp luật bảo vệ.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN MỞ RỘNG PHẠM VI ''NGƯỜI TIÊU DÙNG'' TRONG DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)
* Dự án án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới. Nhiều ý kiến đề xuất bổ sung đối tượng, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Bày tỏ về sự quan tâm đến việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ts.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, tại Điều 8 quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Với quy định này, Ts. Phạm Văn Tân đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật không phải một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người yếu thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhấn mạnh, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...
Xem nội dung chi tiết tại đây: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
* Tiến sĩ Vương Quốc Thắng - Đại biểu Quốc hội khóa XV - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023. Một trong những điểm mới đáng chú ý của việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh. Đề cập về nội dung này, Tiến sĩ Vương Quốc Thắng - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết và là một chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống.
Nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập để triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực bị loại trừ. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết và là một chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân tích đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Chính phủ và đã được Chính phủ thông qua chính sách này tại Nghị quyết 152/NQ-CP ngày 03/12/2021.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH VƯƠNG QUỐC THẮNG: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) SẼ TIẾT KIỆM CHO XÃ HỘI NHIỀU CHI PHÍ
* Sáng 10/2, tiếp tục chương trình giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Lộc Thanh – thành phố Bảo Lộc, Đoàn tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Làm việc tại Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc, đoàn đã nghe kiến nghị của đơn vị đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm bổ sung, thay mới trang thiết bị y tế đã cũ, lạc hậu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong tình hình hiện nay. Có chính sách đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhất là bác sĩ trẻ tâm huyết với nghề, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng rộng rãi, hiện đại hơn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương. Tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng với quá trình đào tạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế. Nguồn nhân lực y tế của thành phố hiện nay còn mỏng, thiếu, nhất là y tế cơ sở vừa thực hiện khám chữa bệnh, vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin và thực hiện chương trình y tế quốc gia khác. Số lượng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, người lao động nghỉ việc nhiều, đã nghỉ việc 11 người.
Liên quan đến thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19, đơn vị cũng báo cáo nhanh với đoàn về thiếu sót về thủ tục đấu thầu như thiếu đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu, chênh lệch giá mua khi nhà sản xuất thông báo giảm giá nhưng đơn vị cung ứng không điều chỉnh kịp thời. Đối với gói thầu mua sắm test nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Y tế Bảo Lộc, đơn vị đã thanh toán sai đơn giá test cho nhà thầu so với phụ lục hợp đồng được ký và ngày 20/12/2021 đơn vị trúng thầu đã khắc phục sai phạm, chuyển trả lại số tiền trên 87 triệu đồng cho đơn vị theo đúng quy định.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI BẢO LỘC
* Sáng 10/2, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, giáo viên nhà trường đã có một số kiến nghị đến Quốc hội và bộ, ngành liên quan một số vấn đề như: tạo điều kiện cho trường tư thục chủ động chương trình ngoại ngữ để phù hợp với nhu cầu phát triển công dân toàn cầu; đối với nhà xuất bản, cần tận dụng công nghệ số để xây dựng kho dữ liệu tập huấn để tạo điều kiện cho giáo viên chủ động trong học tập, nâng cao trình độ, đồng thời tạo những kênh tương tác để nhận phản hồi từ giáo viên, cán bộ chuyên môn đến nhà xuất bản…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá cao những cố gắng, kết quả của Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, những đánh giá, kiến nghị cụ thể về chương trình đổi mới giáo dục, sách giáo khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổng hợp, phản ánh với Quốc hội, các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK TẠI ISCHOOL HÀ TĨNH
* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang do ông Tạ Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phụ vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông.
Huyện Tân Phú Đông kiến nghị Chính phủ sửa đổi Điều 24, Nghị định 146/2018 theo hướng thanh toán theo số chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội thẩm định; Tháo gỡ kịp thời các khó khăn bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, máy móc thiết bị chuyên dùng.
Kết luận buổi giám sát, ông Tạ Minh Tâm -Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Tân Phú Đông trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân dân trên địa bàn. Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu được đoàn tiếp thu, tổng hợp và sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG GIÁM SÁT TẠI HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG