ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA GDPT TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

09/02/2023

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 09/02, Đoàn công tác Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng do đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2014 - 2022 tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI UBND TỈNH

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Cao Bằng có 517 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; quy mô học sinh phổ thông 4.202 lớp/96.410 học sinh, cấp tiểu học 2.681 lớp/51.464 học sinh, cấp THCS 1.138 lớp/31.414 học sinh, cấp THPT 383 lớp/13.532 học sinh; có 843 điểm trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo cơ cấu, độ tuổi, trình độ chuyên môn đào tạo và vị trí việc làm. 

Qua đánh giá bước đầu thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn tỉnh, chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh; khai thác triệt để phương pháp dạy học tích cực; nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội. Việc đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác triển khai Chương trình GDPT mới được quan tâm; các cơ sở GDPT sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và mới được đầu tư, bổ sung để bắt kịp với lộ trình triển khai chương trình mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn tăng so với thời gian trước; công tác lựa chọn sách giáo khoa được triển khai thực hiện đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo phát biểu tại buổi giám sát.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT, ngành GD&ĐT gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn phục vụ đổi mới; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học của các cơ sở GDPT còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là các hạng mục phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp; công tác quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí đầu tư các hạng mục xây dựng cho các cơ sở giáo dục còn hạn chế, công tác lập dự toán và tổ chức đấu thầu mua sắm còn nhiều khó khăn; thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học; quy mô các trường học nhỏ, không đủ cơ cấu giáo viên theo môn học, đặc biệt là các môn học đặc thù; việc đề xuất, lựa chọn sách giáo khoa tại các nhà trường gặp nhiều khó khăn; công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương còn chậm…

UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với yêu cầu lộ trình cụ thể tự đào tạo đại học để phù hợp với thực tiễn tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học. Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ các địa phương có điều kiện KT - XH khó khăn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; triển khai chương trình cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các trường ở vùng có điều kiện KT - XH khó khăn để học sinh nghèo, khó khăn được mượn sách. Ban hành văn bản quy định cụ thể về thẩm định biên chế viên chức quản lý, giáo viên theo hạng trường, lớp, điểm trường; quy định định mức giáo viên phù hợp với từng vùng, miền; xây dựng chính sách lương, phụ cấp phù hợp đối với đội ngũ giáo viên; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Bộ GD&ĐT sớm ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh chương trình GDPT mới.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT liên quan đến cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức chia sẻ với những khó khăn trong thực tế triển khai tại địa phương, tiếp thu các kiến nghị của UBND tỉnh, các ngành về chế độ, chính sách, biên chế, ngân sách và một số nội dung khác. Đề nghị ngành GD&ĐT bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả; chỉ đạo công tác lựa chọn chuẩn bị sách giáo khoa hằng năm, dạy học tài liệu giáo dục địa phương theo kế hoạch.

UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những kết quả đạt được để tạo sự đồng thuận, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành GD&ĐT, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình đổi mới; tăng cường kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; từng bước tháo gỡ khó khăn để thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT theo lộ trình, đạt hiệu quả…

Những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, các đơn vị đoàn tổng hợp, nghiên cứu, chuyển các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.

(Theo Báo điện tử Cao Bằng)