QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 08/02/2023

08/02/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thư thăm hỏi tới Chủ tịch Quốc hội Syria, Thổ Nhĩ Kỳ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm việc với Ban Thư ký… là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 08/02/2023.

* Ngày 08/02/2023, thay mặt Quốc hội Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi Thư chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop trước trận động đất gây hậu quả thảm khốc vừa qua.

Trong Thư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ viết: Được tin miền Đông Nam nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra một trận động đất gây hậu quả thảm khốc với hàng nghìn người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, nhiều nhà cửa và cơ sở vật chất bị huỷ hoại.

Thay mặt nước CHXHCN Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới Chủ tịch Quốc hội Mustafa Sentop và qua Ngài Chủ tịch Quốc hội tới Quốc hội và Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ lời chia buồn và thăm hỏi chân thành nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng Nhà nước và Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức này và ổn định đời sống kinh tế - xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ GỬI LỜI CHIA BUỒN TỚI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ THỔ NHĨ KỲ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

* Cùng ngày, thay mặt Quốc hội Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi Thư chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Arab Syria Hammouda Youssef Sabbagh trước trận động đất gây hậu quả thảm khốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới Chủ tịch Quốc hội Hammouda Youssef Sabbagh và qua Ngài Chủ tịch Quốc hội tới Quốc hội và Nhân dân Arab Syria lời chia buồn và thăm hỏi chân thành nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng Nhà nước và Nhân dân Arab Syria sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức này và ổn định đời sống kinh tế - xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ GỬI THƯ CHIA BUỒN TỚI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ ARAB SYRIA

* Chiều ngày 08/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Văn phòng Quốc hội về công tác tổ chức, kiện toàn nhân sự nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Văn phòng Quốc hội về công tác tổ chức, kiện toàn nhân sự.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các nhiệm kỳ hoạt động, các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội luôn chú trọng và quan tâm đến công tác cán bộ. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội xác định chủ trương không ngừng đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Văn phòng Quốc hội sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ, có chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài, đảm bảo quy hoạch bài bản; đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ; đảm bảo cơ cấu tổ chức thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội…

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

* Sáng ngày 08/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nhiều nội dung chưa được thực tế kiểm nghiệm, do đó đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra thật chặt chẽ theo tinh thần xây dựng luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do Quốc phòng, an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 5 ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

* Cũng trong sáng nay, ngày 08/2 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã làm việc với Ban Thư ký về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13 ngày 21.12.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi làm việc với Ban Thư ký.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, việc sửa đổi Nghị quyết số 1093 nhằm hướng tới những cải tiến, đổi mới về tổ chức và hoạt động nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký; bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, hoạt động của các thành viên trong Ban Thư ký với bộ máy giúp việc khác.

Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký (sửa đổi) tiếp thu tối đa, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết…

Xem nội dung chi tiết tại đây:  TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG LÀM VIỆC VỚI BAN THƯ KÝ     

* Sáng ngày 08/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino.

Vui mừng chào đón Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Paria Beltramino tới thăm Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Argentina tiếp tục được tăng cường và củng cố, thể hiện qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện Việt Nam – Argentina. Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/10/1973- 25/10/2023). Đồng thời bày tỏ mong muốn, trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Argentina tại Việt Nam sẽ tích cực đóng vai trò cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của hai bên…

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ TIẾP ĐẠI SỨ ARGENTINA TẠI VIỆT NAM

* Năm 2023 đối ngoại Quốc hội xác định mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ công tác đối ngoại Quốc hội xác định mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.

Trong thời gian tới, công tác đối ngoại của Quốc hội xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước…

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI - PHÁT HUY VAI TRÒ TIÊN PHONG TRONG VIỆC NÂNG CAO VỊ THẾ VÀ UY TÍN CỦA ĐẤT NƯỚC

* Sáng 08/02, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tại thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn.

Giám sát tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Đoàn công tác ghi nhận sự chủ động, tích cực của Nhà trường nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nói chung trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới…

Ghi nhận những kết quả tích cực tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết sẽ tiếp thu những đề xuất của thành phố, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA MỚI TẠI HẢI PHÒNG

* Chiều 08/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường chủ trì phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp, đề nghị các cơ quan tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện tờ trình và báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết qua trao đổi tại phiên họp nhiều ý kiến đề nghị các Bộ ngành chủ động tham mưu cho Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ và quyết liệt thực hiện sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức, để bảo đảm tiến độ giải ngân của năm 2023 này. Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động rà soát các dự án để có đề xuất cho đợt giao vốn tiếp theo...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH THẨM TRA VIỆC GIAO DANH MỤC VÀ VỐN CHO CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỢT 2

* Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát Văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Từ thực tiễn hoạt động về quá trình tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban đã luôn quán triệt, xác định phạm vi giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách; chủ động xây dựng nhiệm vụ giám sát VBQPPL trong Chương trình công tác của Ủy ban…

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH NGUYỄN PHÚ CƯỜNG: CHÍNH PHỦ CẦN CÓ GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐỂ KHẮC PHỤC HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

* Chiều 08/02, tại Trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường trực Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và công tác phối hợp giữa 2 cơ quan. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì cuộc làm việc.

Quang cảnh cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang rất tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự kiến vào tháng 3 tới đây sẽ gửi Hồ sơ tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Nhấn mạnh trong năm 2023 và năm 2024, Ủy ban Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có rất nhiều việc phải phối hợp thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cuộc làm việc này được tổ chức nhằm nhìn nhận, chia sẻ, góp ý thẳng thắn để việc phối hợp công tác giữa 02 cơ quan, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật ngày càng tốt hơn…

Xem nội dung chi tiết tại đây: THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

* "Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Văn hóa là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của xã hội nên khi xem xét bất kỳ một quy hoạch nào cũng cần tính toán đến yếu tố văn hóa..."- là quan điểm của của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành mới được triển khai, tạo thành hệ thống đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chung, thống nhất của cả nước. Trong kỳ họp bất thường của Quốc hội năm 2023, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, được xem xét từ nhiều hướng tiếp cận, và chắc chắn văn hóa phải là một trong số đó...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: YẾU TỐ VĂN HÓA TRONG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

* Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm giải quyết những bất cập đã cản trở sự phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tương lai. Để hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thực hiện quy định này trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), vừa qua Chính phủ đã ra Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh tại Kỳ họp thứ 3

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cụ thể, cơ quan, tổ chức Nhà nước nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị bằng các hình thức mua hoặc nhận tặng cho kịch bản phim, phim. Cơ quan, tổ chức Nhà nước mua kịch bản phim, phim bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ LUẬT ĐIỆN ẢNH, THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH PHÁT TRIỂN HIỆN ĐẠI, CHUYÊN NGHIỆP

* Vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tại họp báo, Giới thiệu Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 Điều, trong đó điểm mới cơ bản là những quy định nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Cụ thể, để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã quy định nhằm mở rộng đối tượng hành nghề; nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề. Theo đó, Luật thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, Luật đưa ra quy định thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề…

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ

* Dự kiến, tại Phiên họp tháng 02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới.


Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Để phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Cần có những quy định cụ thể hơn trong việc tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả như đã đề cập trong Chỉ thị số 30 - CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

* Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 19/01/2023 nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị...).

Xem nội dung chi tiết tại đây: DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) SẼ ĐƯỢC TRÌNH QUỐC HỘI TRONG NĂM 2023

* Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất cần có những quy định về việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn để hạn chế khiếu nại và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật.


Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến đưa ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 (ảnh minh họa).

Thực tế, từ trước đến nay đối với quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư thì nhà ở luôn gắn với sở hữu lâu dài vĩnh viễn nên quyền phá dỡ cũng là do họ quyết định. Trong khi đó, khi chung cư hết hạn sử dụng, xuống cấp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tài sản, con người. Do đó, cần thiết phải có thời hạn sở hữu phù hợp với thời hạn sử dụng của công trình và hết hạn sử dụng phải phá dỡ theo quy định. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất cần có những quy định về việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn để hạn chế khiếu nại và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CÂN NHẮC ÁP DỤNG THỜI HẠN SỞ HỮU NHÀ CHUNG CƯ TRONG DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

* Luật Đất đai là đạo luật phức tạp, có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống KT-XH với phạm vi tác động sâu rộng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và hiện đang được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 03/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng cần xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường và phải coi nội dung về giá đất là vấn đề trung tâm của Luật Đất đai (sửa đổi).

Quan tâm tới vấn đề giá đất, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này để có thể xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng thực tế. Đại biểu Phan Đức Hiếu chỉ ra rằng, cách thức định giá đất hiện nay còn mang tính chất hành chính, khá cứng nhắc và chậm thay đổi.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): XÂY DỰNG BẢNG GIÁ ĐẤT CẦN SÁT VỚI GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG

* Tại Phiên họp thứ 20 (tháng 02/2023), dự kiến Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó, có quy định về khái niệm “người tiêu dùng”. Góp ý về nội dung này, Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo cần quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức.

Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Theo Luật sư Hoàng Văn Việt, xét cho cùng thì “tổ chức” trong tương quan với bên bán hàng hoá cũng là người tiêu dùng nếu như tổ chức đó mua hàng hoá về nhưng không vì mục đích kinh doanh thương mại. Nếu như đưa ra quan điểm rằng "tổ chức" trong vai trò "người tiêu dùng" luôn có khả năng "tương quan lực lượng" với bên cung cấp hàng hoá hoặc nhà sản xuất thì chưa đúng thực tế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ HOÀNG VĂN VIỆT: CẦN MỞ RỘNG KHÁI NIỆM “NGƯỜI TIÊU DÙNG” BAO GỒM CẢ TỔ CHỨC

* Tiếp tục các hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong ngày hôm nay (08/2/2023), Đoàn ĐBQH tại nhiều địa phương đã tổ chức giám sát về nội dung này:

Ông Ðào Chí Nghĩa - Phó Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Trưởng đoàn giám sát phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

- Sáng 08/02, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ do ông Ðào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Cần Thơ về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TP.CẦN THƠ GIÁM SÁT CÔNG TÁC ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

- Sáng 08/02, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với huyện Đại Lộc về thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng và Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước chủ trì buổi làm việc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Đoàn giám sát trò chuyện với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn.

- Chiều ngày 08/2, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội do bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông tại trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới; đồng thời, xuống tận lớp học, lắng nghe học sinh chia sẻ; khảo sát tại các phòng chức năng của nhà trường.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK TẠI TRƯỜNG THCS BẾ VĂN ĐÀN

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội với UBND quận Đống Đa.

- Cũng trong chiều 08/02, ngay sau buổi giám sát tại tại trường THCS Bế Văn Đàn, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã làm việc với UBND quận Đống Đa về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI LÀM VIỆC VỚI UBND QUẬN ĐỐNG ĐA VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Trọng Quỳnh