ĐBQH PHAN VĂN MÃI: NĂM 2023, TP.HCM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ, ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

19/01/2023

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, đại biểu Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trong năm 2022, kinh tế - xã hội của thành phố phục hồi mạnh mẽ, đồng bộ, trong năm tới, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, nhìn lại những kết quả đạt được trong quá trình công tác năm vừa qua, đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, kinh tế - xã hội của thành phố đã phục hồi mạnh mẽ, đồng bộ và đạt được quy mô trước dịch. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,36%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ, đóng góp 26,5% vào tổng thu ngân sách của cả nước. Các hoạt động văn hóa, xã hội, đối ngoại đã phục hồi đạt mức bình thường. Với kết quả đạt được, thành phố  Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Đại biểu Phan Văn Mãi cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả phục hồi nhanh và đồng bộ ngày hôm nay. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, là sự chủ động và sự năng động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành phố. Thành phố đã có chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và triển khai rất sớm, từ cuối quý III/2021, cùng với sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp thành phố sau một thời gian bị giãn cách, "bị nén", sức bật rất lớn.

Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh 

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là những chính sách, những giải pháp ổn định vĩ mô và những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Quốc hội đã giúp cho việc phục hồi diễn ra nhanh chóng và đạt được kết quả khả quan.

Chia sẻ về những khó khăn mà thành phố phải đối mặt trong năm 2022, đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có hai nhóm khó khăn. Trước hết là những khó khăn để lại sau một khoảng thời gian dài chúng ta phòng, chống dịch Covid-19, những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, những tổn thương đến doanh nghiệp, đến các nguồn đầu vào như lao động, nguồn vốn… vẫn còn.

Cùng với đó, có những khó khăn mới, từ những tác động bên ngoài như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát thế giới ảnh hưởng tới thị trường đầu vào, đầu ra… Những khó khăn nội tại của nền kinh tế cả nước và thành phố Hồ Chí Minh như vấn đề về nguồn vốn, lãi suất trái phiếu… cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong năm 2022, kinh tế - xã hội của thành phố phục hồi mạnh mẽ, đồng bộ

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã có một năm 2022 phục hồi rất tốt. Tuy nhiên cuối năm 2022, xuất hiện những yếu tố bất lợi cho kinh tế - xã hội của thành phố cũng như cả nước. Dự báo năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, ít nhất là đến hết quý I. Do vậy, thành phố đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng theo mức độ là thuận lợi, trung bình và xấu. Đối với từng kịch bản, thành phố sẽ có những giải pháp phù hợp và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ điều hành kinh tế - xã hội theo các kịch bản này. Đồng thời, thành phố sẽ thường xuyên cập nhật và điều hành linh hoạt để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, bảo đảm được tăng trưởng của thành phố năm 2023 đạt cao nhất có thể, ít nhất là giữ được những mức của năm 2022.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”. Theo đó, thành phố đã xây dựng 17 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2023 và được phân chia thành 5 nhóm: Nhóm 7 chỉ tiêu về kinh tế; Nhóm 3 chỉ tiêu về xã hội; Nhóm 2 chỉ tiêu về đô thị; 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính; Nhóm 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5% - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên; đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1,0%/GRDP trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; phấn đấu tổng thu du lịch đạt 120.000 tỷ đồng; khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 4,5 - 5 triệu lượt…

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải thường xuyên đánh giá tình hình và kịp thời có chủ trương, chính sách điều hành quyết liệt để giúp cho kinh tế - xã hội của cả nước ổn định, để từ đó thành phố có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Minh Hùng

Các bài viết khác