Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh/thành phố.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Pháp luật đã nghe trình bày các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành, thành lập thị xã Quế Võ và các phường thuộc thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Sau khi thảo luận và cân nhắc các vấn đề, đề nghị đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Dương trao đổi làm rõ một số nội dung, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày các Tờ trình của Chính phủ
Theo Tờ trình của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày, Thị xã Tân Uyên là đô thị công nghiệp, dịch vụ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ đối với tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Trong những năm qua, thị xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng được xây dựng đồng bộ, thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của thị xã và khu vực lân cận.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh trên địa bàn thị xã Tân Uyên trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý hành chính lãnh thổ, do đó cần có bộ máy chính quyền của đô thị có trình độ phát triển cao hơn, đủ năng lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương dự kiến thành lập thành phố có quy mô dân số 466.053 người, đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13. Về tiêu chuẩn tự nhiên, thị xã Tân Uyên dự kiến thành lập thành phố có diện tích tự nhiên 191,76 km, đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật
Về Đề án thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành, thành lập thị xã Quế Võ và các phường thuộc thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành được định hướng phát triển là đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giữ vai trò là trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nam sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Huyện Quế Võ được định hướng phát triển trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ, trung tâm tổng hợp, đầu mối giao thông, giữ vai trò là trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía bắc sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh.
Với tốc độ đô thị hoá nhanh của huyện Thuận Thành, huyện Quế Võ và các thị trấn, xã trực thuộc đã và đang đặt ra yêu cầu cần thành lập bộ máy chính quyền đô thị để giải quyết các vấn đề bất cập về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, phòng chống các tệ nạn, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thuận Thành, huyện Quế Võ nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Theo Tờ trình của Chính phủ: các huyện Thuận Thành, Quế Võ đều đáp ứng các tiêu chuẩn về quy mô dân số, tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã, phân loại đô thị để thành lập hai thị xã Thuận Thành và Quế Võ.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm
Căn cứ với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ cho rằng, việc thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và hai thị xã Thuận Thành, Quế Võ tỉnh Bắc Ninh bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh nói chung và của các địa phương này.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ các địa phương trong thành lập bộ máy chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ bản tán thành với việc thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, các đại biểu cho biết việc thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là cần thiết, phù hợp với quy hoạch. Đồng thời đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục có giải pháp khả thi, phù hợp nhằm khắc phục và nâng cao hơn nữa các vấn đề như: tiêu chuẩn về đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị còn thấp; hệ thống thoát nước thải đô thị chưa được đầu tư đồng bộ; khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân trên địa bàn.
Tán thành sự cần thiết thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành, thành lập thị xã Quế Võ và các phường thuộc thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính hiện có, các đại biểu nhận thấy, việc thành lập thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và các phường trực thuộc phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khu vực dự kiến thành lập thị xã và phường cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm
Từ kinh nghiệm của các địa phương thành lập số lượng lớn đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính nông thôn, các đại biểu cũng lưu tỉnh Bắc Ninh chú trọng hơn nữa đến công tác lập quy hoạch để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung và quy mô, trình độ phát triển thực tế của địa phương; cần có giải pháp bảo đảm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; có định hướng và giải pháp phù hợp, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tránh lãng phí; kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật nhất trí cao với các Tờ trình của Chính phủ; ghi nhận hồ sơ tài liệu được Chính phủ và các địa phương chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các địa phương để có báo cáo tiếp thu, giải trình các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định các nội dung này.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật tiếp tục thẩm tra các Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; thành lập thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk; thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc, phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành phiên họp
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương tham dự phiên họp
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp