CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC GIÁM SÁT LÀ KHÂU TRỌNG TÂM, THEN CHỐT TRONG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI TRONG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 được ban hành, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã sớm đưa hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình giám sát năm 2021. Theo phân công, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hiện đang chủ trì thẩm tra tổng cộng: 37 Luật, trong đó: 7 luật về lĩnh vực khoa học, công nghệ, 6 luật về lĩnh vực công nghệ thông tin, 5 luật về lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, 10 luật về lĩnh vực nông nghiệp, 01 luật về an toàn thực phẩm, 2 luật về lĩnh vực giao thông, 2 luật về lĩnh vực xây dựng, 4 luật về lĩnh vực công thương. Đồng thời tham gia phối hợp thẩm tra 03 luật với nhiều nội dung liên quan tới Ủy ban (Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Sở hữu trí tuệ).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tính đến thời điểm này, Thường trực Ủy ban đã tiến hành rà soát, sửa đổi, sung 05 Luật, tham gia rà soát, sửa đổi 02 Luật có nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban. Đặc biệt cuối năm 2022, Thường trực Ủy ban đã thực hiện giám sát chuyên đề về nội dung chi và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Thường trực Ủy ban đã kiến nghị thay thế Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ; hiện Bộ đã ban hành 02 Thông tư thay thế (Thông tư 05/2022/TT- BKHCN và Thông tư 67/2022/TT-BTC), qua đó sớm tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện đang tồn dư tới 12.165 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng chỉ rõ, hiện còn nhiều Luật đã có hiệu lực từ rất lâu (trên 10 năm) nhưng vẫn chưa được giám sát để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luật số 19/KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì Ủy ban sẽ tiến hành nghiên cứu rà soát 13 Luật. Còn lại một số Luật, Ủy ban sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch rà soát khi có yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội hoặc đề xuất của Chính phủ vào thời điểm thích hợp.
Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình triển khai Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15
Tiếp tục kế thừa kết quả tích cực đã đạt được từ các năm trước, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban KH,CN&MT chú trọng, nhất là sau khi Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực. Ủy ban KH,CN&MT đánh giá cao sự cố gắng, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc tổ chức triển khai xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được giao quy định chi tiết và theo thẩm quyền. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, cơ quan ngang Bộ được chú trọng ngay từ đầu quá trình soạn thảo văn bản, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như sau: (1) Tiếp tục phát đến sinh việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết ngay sau khi Luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực, dẫn đến tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. (2) Một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phủ hợp với quy định của luật đã được chỉ ra và kết luận, nhưng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới để khắc phục còn chậm.
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang chỉ rõ thực tế cho thấy, hiện tượng thực thi luật bị lệ thuộc quá lớn vào các quy định của Thông tư, Nghị định dẫn đến quan ngại về tình trạng luật ống, luật khung. Một số Thông tư được xây dựng theo quy trình khép kín, cục bộ, trách nhiệm liên quan còn trong xây dựng và ban hành còn hạn chế, phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ, có nội dung quy định trong Thông tư không đúng tinh thần của Luật, chồng chéo, thậm chí còn trái với quy định trong Luật dẫn đến những vướng mắc, bất cập, khó thực hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội và hoạt động của các cơ quan.
Một số quy định bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, với khối lượng văn bản quy định chi tiết được ban hành quá lớn trong khi Chính phủ từ năm 2020 trở về trước không có báo cáo kết quả rà soát văn bản QPPL gửi đến các cơ quan của Quốc hội, nguồn lực của các cơ quan của Quốc hội (nhân lực, vật lực và tài lực) còn hạn chế, khối lượng công việc của các Ủy ban, nhất là việc thẩm tra dự án Luật, hoạt động giám sát...ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tính chất công việc phức tạp, số lượng công chức tham mưu mỏng, chất lượng không đồng đều, cơ chế thuê chuyên gia mặc dù đã có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết về thủ tục, định mức chi nên chưa áp dụng được, dẫn đến hoạt động giám sát văn bản QPPL ở một số cơ quan, trong đó có Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện chưa thường xuyên, liên tục theo yêu cầu tại Nghị quyết số 56/NQ-UBTVQH.
Nhìn lại số liệu Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong kỳ báo cáo năm 2021 cho thấy, qua giám sát VBQPPL đã có hơn 2000 kiến nghị, phản ánh tại 576 văn bản được gửi đến các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu tiếp thu; trong đó có những lĩnh vực nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh như: Tài nguyên và Môi trường với 448 kiến nghị, phản ánh liên quan đến 47 văn bản; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 194 kiến nghị, phản ánh liên quan đến 55 văn bản; Công Thương với 173 kiến nghị, phản ánh liên quan đến 53 văn bản...
Đề xuất, kiến nghị để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15
Trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguồn lực của Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT kiến nghị một số nội dung sau:
Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc hội, trong đó có cơ sở dữ liệu về giám sát, công khai kết quả giám sát trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội và các hình thức phù hợp khác.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng báo cáo rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu của các cơ quan Quốc hội tại Nghị quyết và Kế hoạch triển khai Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hằng năm.
- Sớm chỉ đạo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp, thống nhất với Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 ngày 16/2/2022 về việc lập dự toán kinh phí hằng năm, nội dung chi, định mức chi, hồ sơ thanh quyết toán kinh phí thuê chuyên gia theo quy định.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đối với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
- Chủ động xây dựng kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là một trong các nội dung của Chương trình giám sát hằng năm, đồng thời hoạt động giám sát cần phải gắn với xây dựng và tổ chức Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án dự kiến trình Trung ương về chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.
- Tổ chức giám sát chuyên đề văn bản quy phạm pháp luật (có thể lựa chọn một Luật, Nghị định, Thông tư...theo lĩnh vực phụ trách và nhiệm vụ, quyền hạn được giao). Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, trong quá trình thực hiện cần phải đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, tạo chuyển biến tích cực, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.
- Chỉ đạo Vụ chuyên môn thường xuyên theo dõi, cập nhật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Uy ban của Quốc hội phụ trách được ban hành trong năm giám sát theo các nguồn quy định tại khoản 2 Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15; đồng thời chủ động nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15.
- Theo dõi, cập nhật việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ
- Thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám ciriển sát; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
- Có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có liên quan chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản.
- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị sớm kết nối liên thông dữ liệu của Bộ Tư pháp về kết quả rà soát văn bản QPPL với các cơ quan của Quốc hội. Kết nối cơ sở dữ liệu giữa Ủy ban MTTQVN và Ban tuyên giáo Trung ương để tổng hợp các ý kiến từ cử tri, cơ quan báo chí về các vướng mắc, bất cập nhắm sớm chỉnh lý, bổ sung trong quá trình xây dựng luật, tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.
- Có giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động của chính sách. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật về kinh phí, bảo đảm thỏa đáng cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác này.
- Có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu tham gia thực chất, hiệu quả vào công tác giám sát văn bản QPPL.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ các công tác này với xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện, chủ động hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật. Trong trường hợp phát hiện các quy định mâu thuẫn, bất cập, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo, đánh giá toàn diện, từ đó có phương án sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định để xử lý kịp thời.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đối với các kiến nghị cần xử lý./.