ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI HUYỆN YÊN SƠN

21/12/2022

Tiếp tục hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, ngày 21/12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Yên Sơn.

BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG KIỂM TRA CÁC KHU TÁI ĐỊNH CƯ PHỤC VỤ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC TUYÊN QUANG – PHÚ THỌ

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang làm Trưởng Đoàn giám sát, tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Thanh Tra tỉnh, Sở Nội vụ.

Đoàn giám sát đã giám sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục và các phòng chức năng của huyện, làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại cuộc làm việc

Huyện Yên Sơn có 92 trường học trên địa bàn, số trường học trường thuộc huyện quản lý 85 trường (trong đó: 29 trường mầm non; 26 trường tiểu học, 01 trường PTDTBT Tiểu học; 03 trường PTDTBTr liên cấp TH&THCS; 02 trường TH&THCS; 20 trường THCS; 03 trường PTDTBT THCS; 01 trường PTDT Nội trú THCS). Đội ngũ giáo viên làm việc và người làm việc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện hiện có 2.407 người (Cán bộ quản lý: 217 người, giáo viên: 2.143 người, nhân viên: 10 người, Kế toán: 37 người). Tính đến tháng 8/2022, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo cấp mầm non đạt 99,9 %; cấp Tiểu học đạt 66,5%; Cấp Trung học cơ sở đạt 83,8%

Trong những năm qua, huyện Yên Sơn đã tích cực và chủ động triển khai tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ủy ban nhân dân huyện đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trên địa bàn huyện về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình, lộ trình. Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành công khai, minh bạch, lựa chọn đầu sách tốt nhất, đáp ứng chương trình với nhiều bộ sách theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các đại biểu giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Yên Sơn

Kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Yên Sơn bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư, phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang cấp, mua sắm nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình; môi trường học tập, điều kiện học tập của học sinh được cải thiện; trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn do đội ngũ giáo viên còn thiếu; còn tình trạng bố trí giáo viên thừa thiếu cục bộ giữa các môn học; một số môn học (Tin học, Tiếng Anh, Hóa học, Toán, Vật lí) không tuyển dụng được do thiếu nguồn, vì vậy, nhiều giáo viên phải dạy vượt định mức; kinh phí mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng các phòng học theo quy định còn hạn chế; trang thiết bị đồ dùng dạy học còn thiếu so với nhu cầu; chất lượng một số sách giáo khoa có nội dung dài và nặng, chưa phù hợp với đa số năng lực học sinh…

Các đại biểu Quốc hội giám sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục và các phòng chức năng của huyện Yên Sơn

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân huyện cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các cấp học đối với các năm học tiếp theo đảm bảo khách quan, đúng quy trình, thủ tục; tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên giữa các môn học và giữa các trường trên địa bàn huyện. Chú trọng công tác đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ nhà giáo đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, cân đối ngân sách địa phương và có các biện pháp xã hội hóa các nguồn lực đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới./.

Bách Chiến