ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU

20/12/2022

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, sáng 20/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Tham gia đoàn giám sát có bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Đoàn giám sát làm việc với Ban Giám hiệu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du.

Đoàn đã khảo sát thực tế việc dạy và học tại trường, lắng nghe Ban Giám hiệu, giáo viên nhà trường chia sẻ những vấn đề nổi bật trong triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 tại đơn vị, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo đó, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà trường chưa được cấp màn hình cảm ứng; phòng thí nghiệm thực hành của trường đã cũ, thiếu thiết bị thực hành; phòng máy tính đã xuống cấp, hệ điều hành cũ nên khó khăn trong việc giảng dạy môn Tin học theo chương trình phổ thông mới.

Bà Dương Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình, SGK mới.

Về SGK, chương trình phổ thông mới, môn Lịch sử từ môn tự chọn trở thành môn bắt buộc, giảm từ 70 tiết xuống còn 52 tiết nhưng yêu cầu cần đạt lại không giảm, khiến giáo viên, HS băn khoăn trong kiểm tra, đánh giá; SGK Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp còn nặng về lý thuyết, thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động cho HS; giáo viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất chỉ được đào tạo đại trà, trong khi HS được lựa chọn nhiều phân môn khác nhau nên việc giảng dạy gặp không ít khó khăn…

Nhà trường đề xuất, kiến nghị trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên, điều chỉnh kiến thức, mục tiêu cần đạt môn học… để thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới thuận lợi hơn.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình phổ thông mới được triển khai ở bậc THPT, bắt đầu từ lớp 10. Trong ảnh: HS lớp Trường THPT Nguyễn Du trong một tiết học.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Phúc yêu cầu các nhà trường điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện báo cáo, trong đó mạnh dạn nêu lên khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, gửi về Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng hợp báo cáo kết quả chung của tỉnh. Đề nghị nhà trường linh hoạt trong việc triển khai chương trình, tổ chức các hoạt động; tiếp tục nghiên cứu góp ý một cách cụ thể cho chương trình, SGK mới…

Chiều cùng ngày, đoàn giám sát làm việc tại Trường THPT Vũng Tàu (Tp.Vũng Tàu).

(Theo Báo điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu)