QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 16/12/2022

16/12/2022

"Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp giao ban giữa Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị; Lễ trao quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường..." là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày hôm nay (16/12/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 15/12/2022

** Sáng 16/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan hữu quan trong việc nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, tài liệu; nhấn mạnh đấy là nhiệm vụ mới, quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa từng có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng các cơ quan đều nỗ lực, cố gắng xây dựng hoàn thiện.

Lưu ý thời gian theo kế hoạch không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tập hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo. Đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tập trung làm rõ các nội dung, xem xét các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: 

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

- NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CÓ TRONG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

* Cũng tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến phạm vi điều chỉnh, mức độ chi tiết các nội dung định hướng trong Quy hoạch. Mức độ tích hợp đến đâu là câu hỏi được đặt ra trong tổng thể mối quan hệ của các loại quy hoạch.

Các đại biểu tham dự phiên họp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong xây dựng và trình ra Quốc hội đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bởi đây là nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện, chưa có tiền lệ, có những khó khăn nhất định. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: LÀM RÕ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, MỨC ĐỘ CHI TIẾT CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA TRONG HỆ THỐNG CÁC QUY HOẠCH

* Tại Phiên họp thứ 18, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa các đối tượng đưa tiền chất ma túy, chất ma túy vào lương thực, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác để ngăn chặn tình trạng này.

Lo ngại về tình trạng chất ma tuý, tiền chất ma tuý đang ngày càng rộ lên và có tính chất nghiêm trọng, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa, ngăn chặn việc các đối tượng đưa tiền chất ma túy, chất ma túy vào lương thực, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công Thương có tài liệu tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, phối hợp với các bộ, ngành phổ biến tới nhân dân và cử tri cả nước về các tiền chất ma túy để người dân nâng cao nhận thức và có phương án phòng ngừa ngay trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN CÓ GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT HƠN TRONG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, NGĂN NGỪA CÁC LOẠI TIỀN CHẤT MA TUÝ VÀ CHẤT MA TUÝ

* Tại phiên họp thứ 18, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát để các quy định khả thi, thực chất đưa công tác này đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của ĐBQH.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là nội dung thực hiện theo chương trình công tác của Đảng đoàn Quốc hội giao cho Ban Công tác đại biểu. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các cơ quan đã tiến hành một cách rất bài bản, có sự phối hợp trong ngoài.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội quan tâm đến việc tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội, tuy nhiên thực tế hiện nay đại biểu Quốc hội hầu như không có cơ chế để hỗ trợ mà mới chỉ có cơ chế tài chính hỗ trợ về thuê, khoán chuyên gia tư vấn.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐBQH THÔNG QUA CHUYÊN NGHIỆP HÓA HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC KỸ NĂNG KINH NGHIỆM

* Với hơn 370 lượt ĐBQH chất vấn trực tiếp và 80 lượt ĐBQH tranh luận là con số ấn tượng, cho thấy hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chất vấn tại phiên họp của UBTVQH ngày càng sôi nổi, chất lượng với nhiều đổi mới, đáp ứng của mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước,…

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là một trong những quyền quan trọng và cơ bản của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp. Thông qua hoạt động này, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Chính vì vậy, chất vấn có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HƠN 370 LƯỢT ĐBQH CHẤT VẤN TRỰC TIẾP TẠI CÁC PHIÊN CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2022

* Sáng 16/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

 

Thay mặt Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự đóng góp của các cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các vụ, cục, đơn vị trong toàn Văn phòng Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12/2022.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các vụ, cục, đơn vị rà soát, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công việc thuộc trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, đổi mới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP GIAO BAN GIỮA LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VỚI LÃNH ĐẠO CÁC VỤ, ĐƠN VỊ

* Chiều 16/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi Lễ Trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Ngọc Hoa giữ chức vụ Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội).

Tại buổi lễ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trao Quyết định số 1014/QĐ-VPQH bổ nhiệm bà Trần Ngọc Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội từ ngày 12/12/2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

* Ngày mai (17/12), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

Để đáp ứng sự quan tâm, nhu cầu theo dõi sự kiện của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đối với sự kiện lớn này. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tổng thuật nội dung Hội thảo trên website quochoi.vn vào lúc 8h00.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 SẼ ĐƯỢC TỔNG THUẬT TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI

* Bày tỏ quan điểm về Hội thảo Văn hóa 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy kỳ vọng Hội thảo sẽ tìm ra các giải pháp xác định tầm quan trọng trụ cột, dẫn dắt của văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo kết quả một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, trong đó đề cập đến các khía cạnh, lĩnh vực tổng hợp từ các địa phương, bộ, ban, ngành. Về đầu tư cho văn hóa, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, khó có thể đánh giá bằng con số cụ thể trong vòng một năm, nhưng qua nắm bắt tình hình, tổng hợp sơ bộ, có thể khẳng định các địa phương đã có sự quan tâm cho văn hóa cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, trong đó có tăng mức đầu tư cho văn hóa.

* Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về quan điểm của Đảng cũng như các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết: Trong các văn kiện Đại hội Đảng trước đây đều nhấn mạnh đến phát triển văn hóa.

Đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển một ngành kinh tế đặc biệt, sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA LÀ PHÁT TRIỂN MỘT NGÀNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

* Về công tác chuẩn bị cho Hội thảo Văn hóa 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ Hội thảo, đồng thời sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch bên lề.

Khẳng định Bắc Ninh là mảnh đất giàu truyền thống, vùng đất địa linh nhân kiệt, với những trầm tích văn hóa dày đặc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh vinh dự được chọn là địa điểm đăng cai tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH BẮC NINH VƯƠNG QUỐC TUẤN: BẮC NINH ĐÃ SẴN SÀNG MỌI ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

* Bày tỏ quan điểm về Hội thảo Văn hóa 2022,  Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng, từ Hội thảo này, Quốc hội, Chính phủ sẽ có cách tiếp cận mới để xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai tin tưởng rằng, thông qua báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tại Hội thảo, Quốc hội, Chính phủ sẽ có cách tiếp cận mới để xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư (bao gồm nguồn lực về con người, nguồn lực tài chính) cho phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh” góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH ÂU THỊ MAI: KỲ VỌNG ĐỔI MỚI TRONG XÂY DỰNG THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO VĂN HOÁ

* Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cải cách thể chế văn hóa phải đồng bộ với cải cách thể chế ở nhiều lĩnh vực khác như: kinh tế, chính trị, khoa học – kỹ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Văn hóa có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Vì thế, Đảng ta luôn nhấn mạnh, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH CHÂU QUỲNH DAO: CẢI CÁCH THỂ CHẾ VĂN HÓA PHẢI ĐỒNG BỘ VỚI CẢI CÁCH THỂ CHẾ Ở NHIỀU LĨNH VỰC KHÁC

* Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng, phát triển bền vững, cho gốc rễ của con người, dân tộc. Mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển...

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng, có giá trị căn bản của con người, dân tộc và là động lực, sự tự hào dân tộc trong quá trình phát triển đất nước, nên chăng, chúng ta suy nghĩ, nghiên cứu có thể ban hành 01 bộ luật chuyên biệt về văn hóa nhằm quy định các chính sách, tạo các cơ chế đột phá, nguồn lực để phát huy, phát triển văn hóa Việt Nam theo định hướng của Đảng đã đề ra.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA LÀ ĐẦU TƯ CHO SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, GỐC RỄ CỦA DÂN TỘC

* Quan tâm tới Hội thảo Văn hóa 2022, Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc) mong muốn, vấn đề tăng mức đầu tư cho văn hóa sẽ được mổ xẻ, tranh luận thật kỹ tại Hội thảo lần này, với nhiều giải pháp sớm được cụ thể hóa thành những chính sách thiết thực, hiệu quả chăm lo cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, nhu cầu đầu tư, chăm lo cho văn hóa đòi hỏi cần phải có tỷ lệ kinh phí cố định, nếu chưa thấy hiệu quả có thể không đầu tư ồ ạt, nhưng không nên cắt giảm, bởi suy cho cùng đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, hướng tới tương lai. Bởi, nếu văn hóa không theo kịp phát triển kinh tế-xã hội sẽ tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp cần giải quyết về sau. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: TIẾN SĨ PHẠM XUÂN HƯNG, NHÀ NGHIÊN CỨU ĐẠI HỌC KONKUK (HÀN QUỐC): KỲ VỌNG TĂNG MỨC ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

* Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đang được dư luận quan tâm đặc biệt, kỳ vọng về thể chế và chính sách cho phát triển văn hoá. Cổng TTĐT Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của cử tri trước buổi khai mạc Diễn đàn.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CỬ TRI KỲ VỌNG VỀ XÂY DỰNG PHÙ HỢP MỘT THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ

* Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, ngày 16/12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/NQ-QH13 và Nghị quyết 51/2017/NQ-QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Na Hang.

Qua giám sát, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH đã kiến nghị với UBND huyện tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các cấp học đối với các năm học tiếp theo khách quan, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI HUYỆN NA HANG

* Sáng 16/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) theo chương trình giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, người lao động của trung tâm thời gian qua, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn; đồng thời chia sẻ những khó khăn của đơn vị. Một số thành viên cũng đặt ra nhiều vấn đề đề nghị trung tâm làm rõ, đồng thời nêu một số băn khoăn.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

* Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 , Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định luôn tích cực, trách nhiệm, nghiêm túc tham gia các kỳ họp Quốc hội khóa XV trên cả 3 hoạt động của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó đã kịp thời chuyển tải được tiếng nói của cử tri và nhân dân trong tỉnh tới Quốc hội; đồng thời thể hiện vai trò, vị trí của ĐBQH tỉnh trong Quốc hội.

Theo đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động từ trước. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức cho các vị ĐBQH trong Đoàn tham dự kỳ họp thường lệ, kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM THAM GIA CÁC KỲ HỌP

Vũ Hà