HÌNH ẢNH BÊN LỀ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TW ĐẢNG KHÓA XIII
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã nêu rõ các nội dung về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo đó, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng được nâng cao. Bảo đảm thực hiện đúng cơ chế "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai
Giai đoạn 2007-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức 530.698 đoàn kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới; kiểm tra, giám sát đối với 1.079.580 cấp ủy, tổ chức đảng, 3.534.034 đảng viên; kỷ luật 8.011 tổ chức đảng, 205.466 đảng viên. Đặc biệt, việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế như: một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi; chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế; mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện...
Các đại biểu dự hội nghị
Phân tích làm sâu sắc thêm 3 quan điểm và 3 mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Cụ thể: Ðổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Ðảng; Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; hát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Ðẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng từ Trung ương tới cơ sở.
Toàn cảnh hội nghị
Liên quan đến nhiệm vụ tập trung lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Nghị quyết 28-NQ/TW nêu rõ đối với Quốc hội thực hiện tốt các nội dung: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Ðổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ðặc biệt coi trọng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trọng tâm; chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật. Phát huy dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một trong những nội dung cũng được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh liên quan đến công tác cán bộ. Theo đó, bảo đảm nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Ðảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh. Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với Ðảng và chế độ.
Trích lời dạy của Bác Hồ "Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần lợi dạy của Bác; nghiên cứu, học tập, thực hiện Nghị quyết để đạt được những thành tích to lớn hơn, được Nhân dân tin yêu, quý mến.
Theo chương trình hội nghị, ngày 6/12, các đại biểu sẽ nghe truyền đạt các chuyên đề về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ có phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn giới thiệu đại biểu
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tại hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị