TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HÀ NỘI

19/11/2022

Sáng 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã có cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.

TỔNG BÍ THƯ TIẾP XÚC CỬ TRI HÀ NỘI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHÓA XV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại trụ sở quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành của Tp.Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND quận Đống Đa kết nối trực tuyến tới 56 điểm cầu trên địa bàn 3 quận với sự tham dự của khoảng 1.500 cử tri.

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc cử tri trước đến nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Cử tri đồng tình, đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4 và các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các quyết đáp liên quan đến những vấn đề lớn của đất nước trong năm 2023. Trong đó, có 15 chỉ tiêu chủ yếu cho 2023 và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ.

Cử tri vui mừng nhận thấy, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành nhiệm vụ với một khối lượng công việc rất lớn, nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết quan trọng được sửa đổi, bổ sung, thông qua, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và đất nước, nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri, như chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem xét, cho ý kiến với nhiều dự luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Cử tri cũng vui mừng nhận thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng có nhiều đổi mới, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn rất “trúng và đúng”, nhiều đại biểu đã phản ánh được những tồn tại, bức xúc, nổi cộm về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội mà cử tri quan tâm. Phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, có giải pháp hơn. Tuy nhiên, cử tri đòi hỏi việc chất vấn, trả lời chất vấn phải đạt chất lượng cao hơn nữa. Các đại biểu Quốc hội cần hoạt động tích cực, đi sâu, đi sát địa phương mình hơn nữa để nắm chắc mọi mặt của địa phương, trên cơ sở đó có những chất vấn đặc thù bên cạnh những chất vấn có tầm vĩ mô. Các Bộ trưởng cũng cần nắm rõ, sâu, toàn diện lĩnh vực, ngành mình chịu trách nhiệm, lường trước tình huống để trả lời cụ thể, sát hơn với chất vấn. Để công tác này ngày càng có hiệu quả, cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức chất vấn các đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng cần chuẩn bị kỹ nội dung chất vấn, đáp ứng với tình hình thực tế và yêu cầu của cử tri.

Cử tri đặc biệt vui mừng khi Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2023 mặc dù bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn. “Đây là một quyết định hợp với lòng dân, xuất phát từ nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân”.

Cử tri đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến một số lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng, đang có nhiều khó khăn. Đó là tiếp tục kiểm soát tốt Covid-19, bảo đảm thuốc, vật tư y tế, nâng cao năng lực ngành y, có cơ chế phù hợp để bảo đảm nguồn cung thuốc, máy móc khám chữa bệnh, thu hút nhân lực giỏi trong ngành y tế. Có các giải pháp điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khoá tốt. Quan tâm chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, không để tình trạng các ngân hàng hoạt động vi phạm quy định tài chính, quy định pháp luật, bắt tay với doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản. Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về tiền ảo, tiền số tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Cử tri cũng đề nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sang kinh tế số. Đây là chủ trương còn rất mới đối với cả cán bộ cơ sở và người dân. Vì vậy, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện. Đặc biệt là các giải pháp số hóa trong lĩnh vực hành pháp, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục về đăng ký, chuyển nhượng, đầu tư kinh doanh bất động sản đều cần được số hóa và công khai, minh bạch, để người dân dễ tiếp cận thông tin, hạn chế tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc thực hiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử cũng còn rất mới với người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các ngành có liên quan cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và hướng dẫn thực hiện.

Khẳng định thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm cao, “không có vùng cấm” và đã đạt được những thành quả rất đáng trân trọng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước ngày càng tăng, song cử tri cũng phản ánh, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu tại Kỳ họp thứ 4, thì tội phạm tham nhũng, lợi ích nhóm, tội phạm kinh tế không giảm, có chiều hướng gia tăng (tăng 41%). Phạm vi ngày càng mở rộng ra khắp các lĩnh vực, tỉnh, thành, huyện, xã, bộ, ngành với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Cử tri đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng theo hướng “từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ trong trứng, tránh để thành ung nhọt mới phát hiện ra và xử lý”, đồng thời phải sáng suốt, công tâm trong khâu sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Hoan nghênh việc Quốc hội dành một ngày để tiến hành giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được xem là “quốc sách”, vì nếu không tiết kiệm thì “lỗ hà sẽ ra lỗ hổng”. Cử tri bày tỏ xót xa khi thấy tiền của của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí rất lớn. Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, tổng số tiết kiệm kinh phí, ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy nếu chúng ta tiết kiệm tốt thì nguồn kinh phí ngân sách sẽ dồi dào để phục vụ tốt cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Cử tri đề nghị, các giải pháp để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát được Quốc hội đưa ra vừa qua phải được thực hiện nghiêm túc ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, cần chủ động hơn nữa trong việc tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, hành chính, mua sắm trang thiết bị, trụ sở, phòng làm việc theo hướng giản dị, tiết kiệm.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ luôn theo sát và nhạy bén trước tình hình để có những giải pháp kịp thời. Trước mắt, từ nay đến Tết nguyên đán cần luôn bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, sản xuất, kinh doanh, nhất là lương thực, thực phẩm và xăng dầu, trong đó xăng dầu là ưu tiên hàng đầu, vì đây là “mạch máu” của nền kinh tế...

Cử tri tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của cử tri; khẳng định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã bàn luận nhiều vấn đề lớn, khó, phức tạp, với nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận rất sôi nổi, trí tuệ và tinh thần chung là vì đất nước, vì nhân dân.

Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, song đất nước ta vẫn đạt được những thành quả hết sức quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đó là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, nỗ lực vượt khó khăn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các ngành, các cấp, của cử tri và nhân dân.

Thông tin tới đông đảo cử tri về chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã thành công rất tốt đẹp, kết quả chuyến thăm được nhân dân trong nước, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, đánh giá cao. Chuyến thăm một lần nữa thể hiện uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định rõ hơn điều đã được ghi trong Đại hội XIII của Đảng, đó là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư chia sẻ với những ý kiến, mong mỏi của cử tri, đồng thời khẳng định đây là công việc đã trở thành xu thế, thành phong trào không thể không làm và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa. “Đây là niềm tin của dân và đòi hòi của cuộc sống không thể không làm”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư nêu rõ: Chúng ta vẫn phải kiên quyết, kiên trì, lâu dài và phương pháp phải đúng để tiếp tục công cuộc đấu tranh này, không ngừng, không nghỉ.

Cũng theo Tổng Bí thư, đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính mỗi con người chúng ta, cho nên phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng mới là hay.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)