HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG VÀ ĐẨY MẠNH

16/11/2022

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh.

     

Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh

Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội.    

Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong các luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác. Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v… 

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, một trong những nguyên nhân quan trọng mà hoạt động lập pháp trong những năm gần đây được tăng cường, đẩy mạnh là được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác lập pháp, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hoạt động lập pháp (đổi mới quy trình lập pháp) ở nước ta. Vấn đề này được thể hiện qua việc ban hành và sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm đổi mới tư duy về quy trình lập pháp (đổi mới tư duy lập pháp).

Với quy trình lập pháp được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiến hành xem xét thông qua được nhiều luật, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, trước yêu cầu cần phải xây dựng và ban hành nhiều luật, pháp lệnh để sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phục vụ việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996.

Trọng tâm của việc sửa đổi luật lần này là sửa đổi về quy trình lập pháp, trong đó thay đổi cơ quan chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2002 đã quy định và đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trong hoạt động lập pháp. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ tư pháp,  các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật để báo cáo với Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời Luật đã đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc giúp Uỷ ban th-ường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án và các cơ quan hữu quan giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thường giao cho Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm ủy ban chủ trì thẩm tra) báo cáo với Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật. Như vậy, điểm đổi mới quan trọng trong quy trình lập pháp là chuyển giao thẩm quyền chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo từ cơ quan, tổ chức trình dự án luật cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.       

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh

Quy trình lập pháp mới đã phát huy tác dụng tích cực trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật. Số lượng luật, bộ luật được ban hành ngày càng nhiều, như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã ban hành 84 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 -2011) đã ban hành 67 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 -2016) đã ban hành 104 luật, bộ luật; các năm tiếp theo sau đó đến nay, số luật được ban hành liên tục được tăng lên; điều này đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2002, bao gồm quy trình lập pháp vẫn còn có những hạn chế, bất cập nhất định; chính vì vậy năm 2008, năm 2015 Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này để hoàn thiện hơn. Quy trình lập pháp từ năm 2002 đến nay vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ tư pháp, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Quy trình lập pháp này đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc chủ động tham mưu cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp của mình; có trách nhiệm trực tiếp giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án Luật và các cơ quan hữu quan trong việc tổng hợp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các ngành, các cấp; tổ chức nghiên cứu các ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua. Đã phát huy trí tuệ tập thể của cơ quan thẩm tra tham gia trực tiếp vào việc chỉnh lý dự thảo luật và chịu trách nhiệm trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của các ngành, các cấp và nhân dân; đồng thời thể hiện rõ quan điểm, chứng kiến của mình về nội dung của dự thảo luật, bảo đảm tính khách quan. Các dự thảo luật được chỉnh lý khẩn trương, kịp thời để trình Quốc hội theo đúng tiến độ, góp phần thông qua được nhiều luật với chất lượng cao. Kết quả số lượng các luật, bộ luật được ban hành theo quy trình lập pháp mới đã tăng rõ rệt so với trước năm 2002 như đã nêu ở phần trên.

Tiếp tục đổi mới tư duy lập pháp     

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, bên cạnh những thành tựu đạt được việc thực hiện quy trình lập pháp mới vẫn còn có những hạn chế, bất cập:

Một là, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án luật và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm tham gia của các thành viên của Ủy ban chủ trì thẩm tra vào quá trình giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội như thế nào, nên trên thực tế sự tham gia của các thành viên Ủy ban chủ trì thẩm tra vào quá trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật cũng khác nhau, như có Ủy ban chủ trì thẩm tra mời các thành viên tham gia; nhưng có Ủy ban chủ trì thẩm tra chỉ giao cho Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra tổ chức việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; nhưng có Ủy ban chỉ giao cho một số thành viên Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra tổ chức việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, sau đó  báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu chỉnh lý với Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan cho ý kiến. Đây là vấn đề cần quy định cụ thể để thực hiện thống nhất.

 Hai là, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể về quy trình giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, nên trong thời gian vừa qua việc thực hiện vấn đề này ở các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra rất khác nhau, rất đa dạng. Theo đó tiến độ và chất lượng chỉnh lý dự thảo luật của các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra cũng khác nhau. Vì vậy, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có quy định cụ thể, hướng dẫn quy trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý các dự thảo luật để thực hiện thống nhất, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ngoài ra, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì sau khi dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ qua, tổ chức trình dự án, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức hữu quan giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Thực tiễn thực hiện cho thấy, sau khi dự án luật trình ra Quốc hội thì một số cơ quan, tổ chức trình dự án luật chưa dành thời nhiều, chưa cử cán bộ có đủ thẩm quyền tham gia việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Một số bộ, ngành được mời tham gia, nhưng trên thực tế cũng rất ít tham gia, nếu có thì chủ yếu cử cán bộ cấp vụ, chuyên viên tham gia. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, theo đó các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia phải cử người có thẩm quyền, am hiểu chuyên môn liên quan đến nội dung dự án luật tham gia vào quá trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật theo quy định./.

Lê Anh