CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG ĐỐI VỚI LỰA CHỌN NHÀ THẦU, NHÀ ĐẦU TƯ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT VÀ CẤP BÁCH

15/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc nêu quan điểm, cần có quy định rõ ràng đối với việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, cấp bách; thương thảo hợp đồng trước khi ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu, dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất...

ĐỀ XUẤT CHỈ ĐỊNH THẦU RÚT GỌN TRONG TRƯỜNG HỢP CẤP BÁCH, THIÊN TAI VÀ DỊCH BỆNH

Thực hiện Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật này là việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần có quy định rõ ràng trong việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, cấp bách; thương thảo hợp đồng trước khi ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu.


Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm: Tại Điều 28 quy định về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt thì lại không có quy định thẩm quyền quyết định cho các gói thầu quy định tại điểm d Điều 27. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh để quy định trong dự thảo luật cụ thể về trường hợp đặc biệt, đặc thù. Đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và trường hợp khẩn cấp, cấp bách.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, mặc dù đấu thầu tập trung mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ở dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành một Chương V gồm có các điều từ 51 đến 55. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 53 của dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá, nhưng tại Chương II về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu thì không có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đàm phán giá là như thế nào. Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định này.

Đóng góp về việc lựa chọn nhà thầu, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu (Điều 40), dự án Luật đã sửa đổi theo hướng rút gọn bước thương thảo hợp đồng đối với một số trường hợp. Luật Đấu thầu năm 2013 quy định "tất cả các gói thầu đều phải qua bước thương thảo trước khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu". Việc sửa đổi này sẽ rút gọn quy trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thông thường nhưng lại làm mất đi ý nghĩa của việc thương thảo hợp đồng trước khi lựa chọn nhà thầu. Thương thảo hợp đồng là bước để chủ đầu tư và nhà thầu làm rõ những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất trong hồ sơ dự thầu. Nếu không làm rõ, thống nhất các nội dung này trước khi chính thức ký kết hợp đồng có thể dẫn đến các tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thông qua thương thảo, chủ đầu tư có thể tìm được nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện gói thầu.


Đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Theo đại biểu Cầm Hà Chung, việc thương thảo hợp đồng trước khi ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là cần thiết, không chỉ riêng đối với các gói thầu có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, công nghệ mới mà cần giữ nguyên quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 về việc thương thảo đối với tất cả các gói thầu; đồng thời, để phù hợp với quy định tại Điều 70 về hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trong đó có yêu cầu biên bản đàm phán hợp đồng.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục và các nội dung khác trong lựa chọn nhà thầu và ban hành quy chế để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp. Vì hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 của dự án Luật. Nội dung này nên đưa vào Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang được nghiên cứu, sửa đổi.


Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Về đấu thầu trước quy định tại Điều 39 là quy định mới của dự thảo luật nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các công việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án quy định tại khoản 2 là khá rộng. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị rà soát lại các trường hợp được đấu thầu trước theo hướng chỉ là những gói thầu cần đảm bảo tính liên tục, kế thừa hoặc một số nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tại khoản 4 điều này quy định: "Trường hợp dự án không được phê duyệt thì chủ đầu tư bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu trúng thầu". Quy định này là chưa đảm bảo quyền lợi của các nhà thầu tham dự đấu thầu. Việc dự án không thuộc phê duyệt là lỗi của bên mời thầu, chủ đầu tư khi không lường trước được tình huống này mà vẫn tổ chức đấu thầu. Do đó, trường hợp này, các nhà thầu tham gia dự thầu đều phải được đền bù chi phí, không chỉ là nhà thầu trúng thầu.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để khắc phục bất cập của luật hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản Nhà nước, giải quyết tồn đọng, vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà thầu thực hiện đầu tư mua sắm công.


 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả cụ thể của các quy định trong luật và tham gia nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, thông tin đấu thầu, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đảm bảo dự thầu có hồ sơ dự thầu. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023./.

Bích Lan