ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP TỤC GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4
Toàn cảnh phiên bế mạc
Sau gần 4 tuần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức bế mạc vào chiều 15/11. Tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 07 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 06 Luật, 12 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến đối với 08 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Chia sẻ bên hành lang nghị trường, đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành đầy đủ các nội dung, chương trình đề ra, đạt hiệu quả và chất lượng. Các phiên thảo luận toàn thể, chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi; các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đều rất sát thực tiễn. Đoàn Chủ tịch và Chủ tọa điều hành linh hoạt, bảo đảm không khí dân chủ, chất lượng cho mỗi phiên họp.
Đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận
Kỳ họp thứ 4 cũng là một trong những kỳ họp khá đặc biệt khi đất nước vừa trải qua đại dịch COVID-19, thế giới có rất nhiều biến động bất ngờ, khó lường, kinh tế thế giới chao đảo. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Quốc hội luôn thể hiện rõ sự đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị trí tuệ với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nhằm đưa ra chủ trương, chính sách thực sự phù hợp.
Đáng chú ý, tại kỳ họp lần này, nhiều dự án Luật khó được Quốc hội đưa ra thảo luận. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật rất phức tạp, rất khó, tác động tới xã hội và sẽ được thảo luận trong 3 kỳ họp. Tại phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật này, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, còn khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện đều được các đại biểu Quốc hội đưa ra để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và báo cáo với Chính phủ. Quốc hội cũng thảo luận rất sôi nổi, đóng góp ý kiến với các dự luật khác trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất để điều chỉnh một số vấn đề đang nổi lên, được dư luận xã hội quan tâm. Có thể thấy, việc xem xét thông qua hay thảo luận kỹ lưỡng về các dự luật quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng là một thành công nổi bật của kỳ họp lần này.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, dù thời gian kỳ họp đã rút ngắn với khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, nhiều nội dung mới, khó và phức tạp nhưng Quốc hội đã thực hiện thành công nội dung chương trình đề ra. Với sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, từ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, xác định mục tiêu, định hướng cho năm 2023 đến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tiến hành công tác lập pháp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Đáng chú ý, theo chương trình ban đầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua theo quy trình hai kỳ họp. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng như báo cáo của Chính phủ và Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Việc Quốc hội nhất trí chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp đã cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo Luật chưa hoàn chỉnh dù đã có trong chương trình. Thời gian tới, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được đưa ra lấy thêm ý kiến, góp ý của các chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và sớm đi vào cuộc sống. Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, sự thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, cân nhắc kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ cho thấy Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật, vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu, tránh tình trạng "Luật vừa ban hành phải sửa đổi, bổ sung".
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua nhiều dự thảo Luật, Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Để thực hiện các mục tiêu được Quốc hội đưa ra trong Nghị quyết này, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng trước hết cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong đó, giải pháp căn cơ, cốt lõi là sự chủ động, tinh thần "tiến công" trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Bởi thực tiễn vừa qua cho thấy, để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, yếu tố có vai trò hàng đầu là ý thức chủ quan của các cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm, sự gương mẫu, thể hiện vai trò "đầu tàu" của người đứng đầu.
Các giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội cũng như trong báo cáo của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, điều đại biểu bày tỏ lo lắng về khâu tổ chức thực hiện. Lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị không thể giữ thói quen “sáng cắp ô đi, chiều mang ô về”, hay cách nghĩ “thà không làm để nhận kiểm điểm còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Những suy nghĩ tiêu cực này còn có ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì không thể "tiến công" để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội vừa xác định cho năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Nhận định Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và Nhân dân, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng kết quả công tác lập pháp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp to lớn và ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp. Theo đại biểu, điểm nổi bật trong hoạt động lập pháp tại kỳ họp này là công tác chuẩn bị các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội được các cơ quan, nhất là cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đặc biệt chú trọng với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Hồ sơ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cẩn trọng; đồng thời cơ bản bảo đảm thời gian gửi hồ sơ theo quy định để các đại biểu nghiên cứu. Không khí các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường luôn sôi động với sự tham gia phát biểu, tranh luận của đông đảo các đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, chất lượng các ý kiến thảo luận, tranh luận ngày càng chuyên sâu, toàn diện, trực tiếp, đầy đủ với những kiến nghị, đề xuất cụ thể, rõ ràng. Qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, có thể thấy rõ tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện để kịp trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của kỳ họp là công tác xây dựng, bố trí, sắp xếp chương trình làm việc khoa học, chặt chẽ, hợp lý, có tính thực tiễn cao. Vừa bảo đảm thời gian để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, vừa bảo đảm thời gian để cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan triển khai công việc tiếp thu, chỉnh lý.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, đưa ra các định hướng, giải pháp cho năm 2023. Quốc hội tiếp tục đặt ra yêu cầu phải tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đại biểu hy vọng, những quyết sách, giải pháp của Quốc hội trong thời gian tới sẽ phát huy được hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Bày tỏ ấn tượng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề rất đúng, trúng, đi thẳng vào nội dung trọng tâm, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề Chính phủ đã và chưa làm được, từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đáng lưu ý, phần chất vấn và trả lời chất vấn với tư lệnh ngành thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Lâm Thành quan tâm đến việc triển khai Chương trình Sóng và máy tính cho em. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cam kết sẽ bảo đảm tiến độ triển khai trước Quốc hội, đại biểu mong rằng, Bộ trưởng sẽ thực hiện đúng cam kết, gấp rút đầu tư các hạ tầng vùng khó khăn, đặc biệt ở các vùng lõm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định 6 Luật, 13 Nghị quyết thông qua tại kỳ họp đều đạt được sự đồng tình, nhất trí cao. Đại biểu chỉ ra rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên đã ghi nhận hơn 100 đại biểu đăng ký phát biểu đã cho thấy sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đối với dự luật quan trọng này. Hay sự cẩn trọng, nghiêm túc, trách nhiệm của Quốc hội trong việc chưa thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khi nhận thấy còn những vấn đề chưa thống thất, phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Cùng với đó, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đưa ra 15 nhóm chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng với việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của nhiệm kỳ 2021 - 2025 hay không. Trước đó, Việt Nam đối mặt với hai năm đại dịch Covid -19, hầu hết các chỉ tiêu không hoàn thành, điều đó đặt ra áp lực cho năm 2023 phải bứt phá quyết liệt hơn nữa. Mọi chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023 đều được đại biểu Quốc hội bàn thảo, tính toán kỹ lưỡng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% cũng là cơ sở để thúc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng chung cho cả nhiệm kỳ.
Để bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng Chính phủ phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay tiến độ giải ngân vốn rất chậm, có nơi, có lúc không đạt yêu cầu, đặc biệt là tiến độ giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Càng giải ngân chậm, càng lãng phí cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không giải ngân bằng mọi giá mà phải giải ngân đúng, trúng, chú trọng nâng cao chất lượng lao động, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và trách nhiệm của mỗi cá nhân./.