SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP ĐẶT RA, BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

30/10/2022

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Quan tâm tới dự luật, dưới góc độ nghiên cứu nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đồng thời đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế,…

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CHƯA CÓ CƠ CHẾ KÊU GỌI TOÀN XÃ HỘI THAM GIA VÀO CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản. Các quy định trong Dự thảo Luật tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 07 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ, bao gồm các vấn đề sửa đổi, bổ sung về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;…

Là một trong 7 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhận được nhiều quan tâm, góp ý từ phía người dân, đối tượng chịu sự tác động,… Dưới góc độ nghiên cứu, nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đồng thời đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế,…

PGS.TS Nguyễn Thị  Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội 

PGS.TS Nguyễn Thị  Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong những nội dung hướng dẫn củ Liên Hợp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng. Ở Việt Nam, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bắt đầu được quan tâm từ những năm 90 của thế kỷ 20 và đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999. Đây là văn bản pháp lý mang tính tổng hợp đầu tiên của Việt Nam quy định tương đối đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và của các chủ thể khác trong việc bảo vệ quyền lợi người  tiêu dùng. Sau hơn 10 năm thực thi, trước sự thay đổi của nền kinh tế đất nước cũng như hội nhập sâu rộng, để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 (hiệu lực thi hành 1/7/2011).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã điều chỉnh tương đối đầy đủ và toàn diện nhằm bảo vệ quyền lợi nguời tiêu dùng trong các giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để phù hợp vối sự thay đổi của bổi cảnh kinh tế - xã hội,…. trên cơ sở nhận diện, khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành sau 10 năm thực hiện, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết và kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật sửa đổi không chỉ khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự và cac văn bản pháp luật chuyền ngành; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.

 Ths.Hồ Tùng Bách, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng

Cùng quan điểm, Ths.Hồ Tùng Bách, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, người tiêu dùng được xác định có vị thế yếu thế so với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ mua bán. Vì vậy, việc tăng cường các cơ chế, quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù là phù hợp với nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, phù hợp với xu hướng quốc tế và nhằm điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong một số mô hình giao dịch mới, có yếu tố riêng biệt. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần tiếp tục có các nghiên cứu, đánh giá, trao đổi cụ thể, tham khảo rộng rãi các kinh nghiệm quốc tế để có thể đưa ra các giải pháp không chỉ giải quyết các vấn đề đã phát sinh mà còn cần đảm bảo được tính điều chỉnh đối với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Ths.Hồ Tùng Bách cũng lưu ý, cần tạo điều kiện để nâng cao năng lực tự bảo vệ của người tiêu dùng, để người tiêu dùng không chỉ là bên thụ hưởng mà cần phải trở thành chủ thể chính, chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của chính bản thân người tiêu dùng.

Ths.Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội 

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ths.Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, nhiều quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành trước thời điểm bùng nổ thương mại điện tử ở Việt Nam nên không còn phù hợp để điều chỉnh đối với vấn đề bỏ vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ths.Nguyễn Ngọc Quyên chỉ rõ, pháp luật hiện hành chưa có cơ sở pháp lý để can thiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến xuyên biên giới, các sàn giao dịch thương mại điện tử ít bị ràng buộc trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, hỗ trợ giir quyết tranh chấp tiêu dùng; quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều trường hợp tiết lộ, rò rỉ thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng,….

Để khắc phục những hạn chế này, Ths.Nguyễn Ngọc Quyên cho biết, tại dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng không chỉ dừng lại đối với nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn mở rộng sang đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng sẽ phải chịu thêm nhiều trách nhiệm đặc biệt là trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình tiêu dùng, các thông tin khác do người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân đưa ra liên quan đến giao dịch./.

Lan Anh - Trọng Quỳnh