THẢO LUẬN TẠI TỔ SỐ 04: CẦN QUY ĐỊNH THẬT TƯỜNG MINH VỀ NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG NGỜ CƠ BẢN
Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
Bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các đại biểu phân tích, Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù” nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Do đó, đây là căn cứ chính trị vững chắc để ban hành cơ chế đặc thù.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí rất quan trọng về kinh tế - văn hóa- xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc có thêm các chính sách đặc thù sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư; phát triển du lịch; nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Toàn cảnh phiên họp
Đi vào một số nội dung cụ thể của chính sách đặc thù, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu chỉ ra rằng, ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết để phát triển liên kết vùng Tây Nguyên. 07 chính sách trong cơ chế đặc thù thì đã có 06 chính sánh cơ bản đang được áp dụng, chỉ có chính sách về thuế là mới. Tuy nhiên, các chính sách này mới chỉ tập trung vào phạm vi thành thố Buôn Mê Thuật, như vậy tính kết nối đã rõ chưa, đã xứng tầm chưa?
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn chỉ rõ, Theo Kết luận Nghị quyết 67 thì phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên. Do đó, các chính sách cần được thiết kế tương xứng để thực hiện Kết luận này.
Quan tâm đến chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, đại biểu Triệu Thế Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương và một số đại biểu nhận thấy, Dự thảo Nghị quyết quy định chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại Thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo các đại biểu, việc tạo cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại Thành phố Buôn Ma Thuột là cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thành phố Buôn Ma Thuột cũng không cách xa về mặt địa lý với các thành phố có điều kiện làm việc tốt như Tp.Hồ Chí Minh, Nha Trang. Do đó, ưu đãi đặc thù phải có sự hấp dẫn đủ mạnh thì mới giữ chân được tài năng đặc biệt lựa chọn thành phố là nơi làm việc. Bên cạnh đó, ngoài các ưu đãi về chế độ, cần tính đến môi trường để phát triển tài năng, việc công nhận, trân trọng những công trình, giá trị sáng tạo, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đó mới là sự phát triển bền vững, lâu dài để thu hút các tài năng đặc biệt hăng say nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Về cơ chế đặc thù đối với thành phố Buôn Mê Thuột, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, thống nhất nhất việc thí điểm cơ chế đặc thù với thành phố Buôn Mê Thuột để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, trong đó có Kết luận số 67 của Bộ Chính trị năm 2020 về phát triển thành phố Buôn Mê Thuột. Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, về vị trí địa lý, Buôn Mê Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, với điều kiện, tiềm năng sẵn có, rất cần có cơ chế đặc thù để khai phá tiềm năng, khơi dậy động lực phát triển, tạo tác động mang tính lan tỏa tới các tỉnh, thành phố khác của vùng.
Về các nhóm chính sách trong dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các nhóm chính sách này đã được phân tích kỹ lưỡng, có sự tương đồng với chính sách đặc thù của một số địa phương khác, nên đã có căn cứ kiểm nghiệm từ thực tế, đảm bảo tính khả thi.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận định, việc có chính sách khuyến khích sản xuất, chế biến cà phê là cần thiết và phù hợp với đặc thù Thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng cần quy định chưa chặt chẽ về nội hàm đối tượng ưu đãi là các dự án trồng cà phê và chế biến cà phê có được trên địa bàn Buôn Ma Thuột hay có thể mang cà phê từ địa phương khác đến để chế biến và hưởng ưu đãi? Đồng thời, mức thuế suất ưu đãi, thời gian ưu đãi cao nhất cần được quy định cụ thể để thuận lợi cho việc triển khai.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:
Các đại biểu tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nghiên cứu tài liệu
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần cơ chế đặc thù để Buôn Mê Thuột phát huy tiềm năng sẵn có, khơi dậy động lực phát triển, tạo tác động mang tính lan tỏa tới các tỉnh, thành phố khác của vùng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu chỉ ra rằng, ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết để phát triển liên kết vùng Tây Nguyên.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị cần nghiên cứu chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên không chỉ ở thành phố Buôn Ma Thuột mà còn ở các huyện lân cận
Đại biểu Triệu Thế Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu về chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt
Các đại biểu cũng cho rằng, ngoài các ưu đãi về chế độ, cần tính đến môi trường để phát triển tài năng, việc công nhận, trân trọng những công trình, giá trị sáng tạo, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học./.