THẢO LUẬN TỔ 12: ĐỊNH KỲ BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ RỦI RO QUỐC GIA VỀ RỬA TIỀN

24/10/2022

Chiều 24/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định chặt chẽ các biện pháp phòng và chống rửa tiền, tăng cường trách nhiệm và hiệu quả phối hợp thực thi nhiệm vụ của các cơ quan.

TỔNG THUẬT CHIỀU 20/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC NGHE BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NSNN 2022, DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)...

THẢO LUẬN TẠI TỔ SỐ 04: CẦN QUY ĐỊNH THẬT TƯỜNG MINH VỀ NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG NGỜ CƠ BẢN

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng

Các đại biểu tán thành mục tiêu sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc sửa đổi toàn diện Luật cũng sẽ khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Góp ý về các nội dung của dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật, lãm rõ các định nghĩa về “tài sản”, “hành vi rửa tiền”, “danh sách đen”, “danh sách nguy cơ”, “danh sách cần kiểm soát”, biện pháp phòng ngừa, biện pháp chống rửa tiền, …để vừa bảo đảm thống nhất với các luật liên quan như Bộ luật Dân sự vừa bảo đảm cụ thể khả thi trong tổ chức thực hiện. Đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đề nghị đối với quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể với khoảng 59 hành vi được mô tả chủ yếu là định tính với các thuật ngữ như “giao dịch có giá trị lớn”, “giao dịch đáng ngờ”, “giao dịch có giá trị lớn bất thường” và “giao dịch phức tạp” chưa có định nghĩa, chưa được giải thích và những cụm từ như “mối quan hệ rõ ràng”, “tăng bất thường”. Do đó cần cân nhắc bổ sung những yếu tố định lượng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch và có cơ sở triển khai trong thực tiễn.

Các đai biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung quy định về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Để đáp ứng khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), đánh giá của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo Luật bổ sung các quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Dự thảo Luật quy định, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định; cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật r đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, quy định về thời gian đánh giá rủi ro quốc gia 5 năm/lần là quá dài, trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tội phạm công nghệ cao và thường xuyên cập nhật thay đổi phương thức rửa tiền thì cần thường xuyên đánh giá rủi ro quốc gia để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt từ đó có đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị nên quy định theo hướng: định kỳ 2 năm một lần hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền để báo cáo Quốc hội bởi đây là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, do đó, nếu có rủi ro phát sinh liên quan đến chính sách, pháp luật thì Quốc hội phải kịp thời xem xét.

Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống rửa tiền, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị làm rõ nội hàm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Theo đó ngoài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cần triển khai thực hiện những chính sách đối với các tổ chức, cá nhân những lực lượng tham gia phòng, chống rửa tiền, hoặc những chính sách nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ, trang thiết bị cho lĩnh vực này, hoặc chính sách đặc thù, ưu đãi cho những lực lượng chuyên trách tham gia phòng, chống rửa tiền. Sau khi cụ thể quy định về quản lý nhà nước sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết rửa tiền có thể thông qua các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, do đó trong quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước cần bổ sung trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trực thuộc để nâng cao trách nhiệm và phối hợp trong phòng chống rửa tiền.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị nghiên cứu để bảo đảm chặt chẽ quy định về khai báo cung cấp thông tin về vận chuyển tiền mặt, kim loại quý qua biên giới; rà soát bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý thông tin đối với thực hiện nhiệm vụ của biên phòng và cảnh sát biển trong lĩnh vực này. Đại biểu cũng lưu ý rằng cần phân định rõ nhóm các nhiệm vụ nhằm phòng ngừa hành vi rửa tiền và nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chống rửa tiền đề từ đó tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật này vào ngày 01/11 và xem xét, biểu quyết thông qua vào chiều ngày 15/11.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 12:

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Bảo Yến - Phạm Thắng