ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI ĐỂ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KỊP THỜI PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TIỄN

22/10/2022

Tại phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi để các chính sách hỗ trợ kịp thời phát huy hiệu quả thực tiễn với cộng đồng doanh nghiệp.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã rất nỗ lực ứng phó với những diễn biến khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra những quyết sách đúng đắn, bước đầu đem lại hiệu quả khi các chỉ số tăng trưởng đều ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, kết quả thực hiện việc triển khai các Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cụ thể, toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ mới chỉ sử dụng ở cuối tháng 8, gói hỗ trợ lãi suất 2% thì mới giải ngân 1/3 kế hoạch.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, do gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới khoảng 12.500 doanh nghiệp mỗi tháng, tương ứng với 12.500 ý tưởng kinh doanh đã không được hoàn thành, lượng vốn doanh nghiệp dự kiến đưa vào sản xuất kinh doanh không trở thành hiện thực. Dù đã có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh, song trong thực tế, doanh nghiệp vẫn rủi ro do tồn tại những bất cập trong khung pháp lý, một số doanh nghiệp có tâm lý co cụm, không mạnh dạn mở rộng kinh doanh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Nhấn mạnh việc duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp là nền tảng vật chất cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ là ở việc sử dụng các chính sách tài khoá tiền tệ, mà còn phải cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh bất định thay đổi khó lường, nền kinh tế quốc gia nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng đều cần nâng cao năng lực tự cường, khả năng chống chịu và quản trị rủi ro, để có thể thích ứng với những thay đổi, tồn tại và lớn mạnh qua những biến cố, đảm bảo kinh tế xã hội phục hồi và phát triển theo đúng định hướng đề ra.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Qui mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so với năm 2020 và 2022, theo dự kiến qui mô gói hỗ trợ năm 2022 là 4,05% GDP.

 PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp với nhau tốt, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng chỉ rõ, còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai như: chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập. Các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, tuy công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam đã có nhiều tiến triển, nhưng mức độ phức tạp còn lớn, dẫn đến việc các chính sách tại Việt Nam có tính ứng dụng không cao, hoặc gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ.

Qua thực tế điều hành doanh nghiệp và quan sát môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Hoàng Trường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, về số lượng và chất lượng lao động, về tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ, thông tin phục vụ cho việc quản lý kinh doanh.

Ông Hoàng Trường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh

Theo Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế còn có tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết được lợi thế và tiềm năng do chính sách hỗ trợ của nhà nước, có lúc, có nơi đã đưa ra các tiêu chí không khả thi, xa rời thực tế, không sát với hoạt động của các doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, khiến cho nhóm ngân hàng và doanh nghiệp khó khăn trong việc hiểu ý các văn bản luật, nên không thể triển khai một cách quyết liệt, rõ ràng.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Trường Minh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân căn bản là có nhiều giấy phép con không phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn tồn tại, quá trình phê duyệt các thủ tục hành chính chậm trễ kéo dài, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Việc Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật tại Kỳ họp lần này, nhất là Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc từng bước tháo gỡ những rào cản, tiết giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.  

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu phức tạp, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh, tăng quy mô hỗ trợ, đảm bảo an toàn tín dụng… Việc theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc này cũng khiến hiệu quả triển khai của Chương trình không phát huy hết được tiềm năng, do cần phải cân đối với các mục tiêu quan trọng khác.

Từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp với những trải nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh, ông Hoàng Trường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh đưa ra 4 kiến nghị để nâng cao kết quả triển khai, góp phần giúp Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.

Thứ nhất, cần lắng nghe, tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách. Đến nay, khi chính sách đã ban hành, tiếng nói của khối doanh nghiệp – đối tượng trực tiếp chịu tác động vẫn là rất quan trọng, cần tiếp thu và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Việc ban hành các chương trình hỗ trợ đã cho thấy sự quan tâm, đồng hành rất lớn của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành đó sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa nếu các chính sách này sát với thực tế đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ hai, cần xác định chính xác các đối tượng cần hỗ trợ, trong đó, cần đặc biệt xác định các “điểm chốt”, các doanh nghiệp, tổ chức có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực để tập trung hỗ trợ. Tăng cường thông tin, truyền thông đưa các giải pháp đến gần hơn các đối tượng cần được hỗ trợ.

Thứ ba, cần rà soát, chỉnh sửa các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, tránh trường hợp không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ, khiến chính sách không đem lại hiệu quả thực tế.

Thứ tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, đặc biệt là rút ngắn thời gian, giảm bớt yêu cầu đối với các doanh nghiệp đăng ký hưởng gói hỗ trợ. Thực tế, những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hưởng gói hỗ trợ đều đang ở trong tình thế khó khăn, không thể chờ lâu không cứu, nếu quy trình thủ tục quá lâu, quá nhiều, phức tạp và rắc rối, gói hỗ trợ đến chậm hoặc không đến thì sẽ làm mất đi ý nghĩa sâu sắc và quan trọng của Chương trình này.

Thứ năm, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu để giải quyết các vấn đề hành chính một cách nhanh chóng, chính xác, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, qua đó tạo sức bật cho các doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Minh Hùng

Các bài viết khác