ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐÁNH GIÁ CAO SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ TRONG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH NỀN KINH TẾ PHỤC HỒI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

21/10/2022

Quan tâm đến Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Quốc XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua trong việc chỉ đạo, điều hành nền kinh tế để khắc phục những khó khăn, thách thức, vượt qua nhiều trở ngại để đạt được những kết quả tích cực...

 ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG LÀ VẤN ĐỀ MẤU CHỐT ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI TRONG KHU VỰC CÔNG 

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương để làm rõ thêm nội dung xoay quanh Báo cáo quan trọng này.

Phóng viên: Qua báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu đánh giá thế nào về Báo cáo này của Chính phủ và qua đó cho thấy sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua như thế nào để điều hành nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua trong việc điều hành nền kinh tế để khắc phục những khó khăn, thách thức, vượt qua rất nhiều trở ngại để đạt được những kết quả tích cực như trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp 4 đã nêu rất rõ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết để giải quyết những vấn đề cấp bách. Tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết của kỳ họp. Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội đã giao thẩm quyền cho Chính phủ được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với những quy định của pháp luật hoặc chưa được pháp luât quy định nhằm mục đích đẩy mạnh công tác phòng chống dịch một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Ngoài việc ban hành các Nghị quyết quan trọng, Quốc hội còn thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ, đặc biệt ở lĩnh vực phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Với sự đồng hành của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề quan trọng cho năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ khá rõ ràng, mạch lạc, đánh giá cơ bản những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của hạn chế, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, những nguyên nhân chủ quan còn khá chung chung. Cần phải có sự đánh giá cụ thể hơn, nhất là phần hạn chế thuộc về bộ ngành nào, để bộ ngành đó còn có giải pháp khắc phục. Khi chỉ nêu chung chung như trong Báo cáo: “công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương, các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng” thì rất khó để có thể đưa ra giải pháp khắc phục triệt để và kịp thời.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu quan tâm, lo lắng đến những khó khăn, thách thức nào về kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi đặc biệt quan tâm đến thách thức "tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định" được nêu ở phần dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong Báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Chúng ta đang nỗ lực hướng đến hội nhập sâu rộng và toàn diện với kinh tế thế giới nên bất kỳ biến động nào của thế giới cũng có sự tác động tới Việt Nam, đặc biệt là những biến động tiêu cực như chiến tranh, dịch bệnh...

Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang tạm thời khống chế được dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh mới cũng có nguy cơ trở thành đại dịch lan rộng toàn cầu nếu như không có sự nỗ lực chung tay của tất cả mọi quốc gia trong công tác phòng chống như bệnh đậu mùa khỉ. Sự căng thẳng trong cuộc chiến tranh Nga - Ucraina chưa thực sự có dấu hiệu "hạ nhiệt"... khiến kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước nhiều nguy cơ khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, việc điều hành kinh tế vĩ mô trong nước vừa phải khắc phục những khó khăn nội tại, vừa phải có dự báo chính xác về tình hình thế giới để có những giải pháp hiệu quả.

Ở trong nước, tôi quan tâm đến việc chúng ta dự báo và ứng phó với thiên tai. Việt Nam là đất nước phải gánh chịu rất nhiều thiên tai, và thiên tai ngày càng nhiều hơn do thời tiết ngày càng có nhiều hiện tượng cực đoan. Những hậu quả của thiên tai hàng năm là rất lớn, để lại thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, và có những thiệt hại, những tổn thất khó có thể thống kê, đo đếm và khắc phục hết được, như thiệt hại về con người. Công tác dự báo là vô cùng quan trọng giúp chúng ta có những phương án chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại.

Phóng viên: Từ những khó khăn nêu trên, đại biểu đánh giá thế nào về những nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đồng thời có kiến nghị gì để khắc phục những vướng mắc nêu trên?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Về những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 tôi cho là khá toàn diện và thuyết phục. Tuy nhiên, tôi đánh giá những giải pháp này mang tính "an toàn" hơn là đột phá. Tôi mong muốn Chính phủ căn cứ vào những hạn chế, những tồn tại để đưa ra các giải pháp trọng tâm, đột phá, giải quyết được những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là những hạn chế, tồn tại đã được nhắc đến năm này qua năm khác.

Phóng viên: Trọng tâm của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án Luật. Đại biểu quan tâm đến dự án Luật nào và có đề xuất, kiến nghị gì để Luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi đặc biệt quan tâm đến dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này. Việc sửa đổi Luật đất đai trong thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết bởi sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 bộc lộ một số những bất cập, vướng mắc. Những bất cập, vướng mắc đó gây nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi cần sớm được tháo gỡ. Luật Đất đai cũng liên quan đến rất nhiều các luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... nên khi sửa đổi Luật Đất đai đòi hỏi có sự rà soát, đối chiếu thận trọng, tỉ mĩ, kỹ lưỡng với những luật liên quan, tránh sự xung đột trong các quy định pháp luật.

Muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được đi vào thực tiễn, việc đầu tiên đòi hỏi cơ quan soạn thảo cần phải tích cực để đáp ứng đúng tiến độ. Hiện nay, do tính chất phức tạp của dự án luật này, Luật sẽ được Quốc hooij xem xét qua 3 kỳ họp. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng tiến độ đòi hỏi, Chính phủ và các cơ quan liên quan phải rất nỗ lực. Thứ hai là việc sau khi luật được Quốc hội thông qua thì Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần hoàn thiện ngay những văn bản hướng dẫn, đảm bảo để luật sớm đi vào thực tiễn. Trên thực tế đã có những luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực một thời gian khá dài nhưng Chính phủ và các bộ ngành chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn khiến việc triển khai còn mắc nhiều khó khăn, lúng túng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Ngọc