TỔNG THUẬT SÁNG 20/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
CÁC VỊ LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội cũng như nhân sự ba bộ, ngành.
Kỳ họp thứ 4, diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới cho đất nước. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng, trong đó có nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Đây cũng là những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Chia sẻ về Kỳ họp quan trọng này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp, nhiều buổi buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp, khảo sát chuyên đề đã được tổ chức để lắng nghe ý kiến, tâm tư, ngyện vọng của cử tri. Bên cạnh việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương giải quyết theo thẩm quyền, các ý kiến, kiến nghị của chuyên gia, nhà khoa học, cử tri đã giúp các đại biểu Quốc hội thành phố đánh giá khách quan công tác triển khai thực hiện quy định, chính sách pháp luật liên quan đến các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Từ đó, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến để nghiên cứu, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo luật tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Cho rằng các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đều là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với đất nước, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kỳ vọng, Quốc hội cùng các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, kỳ họp này sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thông qua nhiều dự án Luật đáp ứng sát với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho tình hình kinh tế xã hội, cũng như đời sống của người dân tốt hơn. Đại biểu Tạ Thị Yên hy vọng kỳ họp này sẽ đáp ứng được các ý kiến, kiến nghị cũng như các kỳ vọng của cử tri. Đồng thời, các chính sách khi ban hành ra cần phải đảm bảo sát với thực tiễn và mang tính khả thi, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống cử tri.
Với những dự án Luật, Nghị quyết sẽ thông qua, đại biểu Tạ Thị Yên mong muốn khi Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đáp ứng được kỳ vọng của người dân, góp phần an sinh xã hội. Với những dự án Luật lần đầu cho ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Tạ Thị Yên mong muốn khi đưa ra nghị trường, những ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu sẽ giúp dự thảo Luật được tốt hơn, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua.
Đại biểu Cầm Hà Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Đánh giá về những nội dung của Kỳ họp, đại biểu Cầm Hà Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua nhiều dự án luật gắn với cơ sở và người dân khi dự kiến thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); và cho ý kiến lần đầu vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Cầm Hà Chung kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được các vấn đề đang vướng mắc hiện nay, giải phóng nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai để phát triển kinh tế xã hội. Đề cập đến Dự án Luật đặc biệt quan trọng này, đại biểu cho biết, HĐND tỉnh có thẩm quyền trong quyết định đất đô thị, đất lúa, đất rừng. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất do HĐND tỉnh thông qua trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt. Bây giờ để tổ chức sử dụng lại phải trình lần nữa, như vậy phải trình 2 lần. Đại biểu cho rằng, việc này nên phân cấp cho tỉnh, để tháo bớt rào cản về quy trình, thủ tục, thu hút đầu tư, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng khi Quốc hội và Chính phủ sẽ có những thay đổi theo Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6. Từ đó, chúng ta đổi mới cơ chế sản xuất, đổi mới cơ cấu của nền kinh tế và thực hiện thắng lợi các nghị quyết, các mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra. Thực hiện tốt yêu cầu về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chúng ta có những bước đổi mới một cách toàn diện để thích ứng với quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Với những đường hướng mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 đã đề ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hy vọng rằng những nghị quyết, quyết định của Đảng về quá trình xây dựng nền kinh tế giai đoạn 2030-2045 sẽ được quán triệt một cách rõ nét hơn trong Nghị quyết của Quốc hội tại của Kỳ họp thứ Tư này.
Vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tạo ra được những thay đổi cơ bản trong hoạt động kinh tế. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng, với chức năng lập pháp, Quốc hội tiếp tục ban hành những chính sách kịp thời giúp đất nước có những bước chuyển mình đột phá. Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV với tư duy mới, cách làm mới, Quốc hội cũng như Chính phủ sẽ có những thay đổi, đổi mới trong cơ chế, chính sách nhằm có được bước phát triển, đột phá toàn diện và đồng bộ trong quá trình xây dựng đất nước./.