ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

15/10/2022

Ngày 14/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự có các đại biểu: Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh; Huỳnh Thanh Phương - Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu.

CỬ TRI TÂY NINH PHẢN ÁNH VẤN ĐỀ THIẾU THUỐC, QUẢN LÝ XĂNG DẦU

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI), LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI), LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Theo đồng chí Phạm Hùng Thái, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…

Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và bãi bỏ 8 điều. Ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay, dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các nội dung như bổ sung quy định kiểm toán về đất đai, sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá; bổ sung các quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai; hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã; quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND từng cấp đối với việc chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng, quy định tại Điều 6 về người sử dụng đất chưa có xem xét đối với cá nhân người nước ngoài thuộc diện phải được điều chỉnh trong luật. Trong khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở quy định người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, đề nghị xem xét lại quy định này để bảo đảm tính thống nhất đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện hành.

Tại khoản 2 Điều 144 quy định điều kiện để xem xét gia hạn, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư khi hết thời hạn sử dụng đất phải có văn bản đề nghị điều chỉnh kèm theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đề nghị gia hạn luận chứng về sự cần thiết tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo thời hạn dự án đầu tư mới.

Quy định này được hiểu là chủ đầu tư phải thực hiện một thủ tục hành chính để được gia hạn, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020, khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021, quy định về thủ tục điều chỉnh, gia hạn hoạt động của dự án đầu tư, trong đó chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến về việc đáp ứng điều kiện quy định. Như vậy, quy định tại dự thảo sẽ khiến chủ đầu tư dự án phải thực hiện 2 lần thủ tục (1 thủ tục theo quy định Luật Đầu tư, 1 thủ tục theo quy định dự thảo) để được phép gia hạn dự án đầu tư, nên đề nghị xem xét lại quy định.

Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Có ý kiến đề nghị tại điểm a khoản 2 Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng” nên điều chỉnh tương tự như điểm a khoản 1 Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng” nhằm thống nhất với quy định tại điểm a khoản 1, 3 Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều 186 dự thảo Luật quy định nguyên tắc tách thửa đất nhưng không nêu rõ cụ thể trường hợp nào, khi nào thì người sử dụng đất được phép tách thửa sẽ tạo ra sơ hở để một số người lợi dụng tách thửa đất nông nghiệp để sẵn theo dạng “phân lô, bán nền” gây khó khăn trong công tác quản lý.

Do vậy, đề nghị bổ sung thêm một điểm trong nguyên tắc tách thửa đất đó là “việc tách thửa đất chỉ được thực hiện khi chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất (gọi chung là chuyển quyền sử dụng đất bao gồm cả việc thu hồi đất, thừa kế, tặng cho, phân chia theo bản án…); tách thửa đất khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Điều 45 của dự thảo về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có đại biểu đề nghị chỉ quy định lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch sử dụng đất. Riêng về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được thực hiện trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không cần thiết phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân…

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến này sẽ được tiếp thu, xem xét và tổng hợp để Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh làm cơ sở tham gia đóng góp tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sắp tới.

(Theo Báo điện tử Tây Ninh)