UỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 11/10/2022
* Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 16, sáng ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành hai Nghị quyết này là quyết sách đúng đắn của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, các Bộ, cơ quan liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là 02 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, để triển khai thực hiện. Các Nghị quyết bước đầu đóng góp vào sự phát triển của 2 thành phố, nhưng bên cạnh đó cũng còn hạn chế trong tổ chức thực hiện, phát huy các nguồn lực được phân cấp thí điểm.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 12/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/2017/QH14 VỀ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM
- Cho ý kiến việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết do nhiều nguyên nhân mà có một số chính sách đến nay triển khai chậm, chưa thực sự phát huy đầy đủ tác động, hiệu quả như mong đợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thống nhất với việc trình với Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 thêm khoảng một năm để có điều kiện nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất chính sách cần được tiếp tục thực hiện, chính sách cần được thể chế hóa trong luật hay chính sách cần thí điểm thêm.
Xem nội dung chi tiết tại đây: UBTVQH THỐNG NHẤT TRÌNH QUỐC HỘI PHƯƠNG ÁN KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14 VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO TP.HỒ CHÍ MINH
* Cũng trong sáng nay (12/10), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc xây dựng Bộ nhận diện này chính là một bước tiến trong đổi mới, phát triển Quốc hội hoạt động chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp. Đánh giá cao cơ quan chủ trì nghiên cứu đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, qua thảo luận, chưa đủ cơ sở để đi đến kết luận cuối cùng, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đảm bảo quy trình thủ tục pháp lý trong xây dựng Bộ nhận diện này, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, rõ trách nhiệm.
Xem nội dung chi tiết tại đây: BỘ NHẬN DIỆN QUỐC HỘI VIỆT NAM: THỂ HIỆN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
* Chiều 12/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất là cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình và cách thức tổ chức Kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 4 có khối lượng công việc lớn, song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.
Xem chi tiết nội dung tại đây: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 4 QUỐC HỘI KHÓA XV: LẤY CHẤT LƯỢNG CỦA KỲ HỌP LÀM CHÍNH VÀ TIẾT KIỆM TỐI ĐA THỜI GIAN
* Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, tại Phiên họp thứ 16, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể nghiên cứu quy định một mức giá chung đối với đấu giá biển số ô tô.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Nêu quan điểm về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí chủ trương thí điểm và hồ sơ đủ điều kiện trình ra Quốc hội xem xét. Dự thảo Nghị quyết chỉ nên thể hiện các nguyên tắc lớn, còn lại giao Chính phủ quy định và thực hiện. Về giá khởi điểm, đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CÓ THỂ NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH MỘT MỨC GIÁ CHUNG ĐỐI VỚI ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ Ô TÔ
* Chiều ngày 12/10, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tập trung, Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tập trung và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 16.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các nội dung của Kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và đến nay cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội. Từng nội dung đã được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành và kết luận cụ thể, do vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan sớm ban hành ngay các Kết luận để các cơ quan hữu quan kịp thời tiếp thu, chỉnh lý, có căn cứ triển khai thực hiện…
Xem nội dung chi tiết tại đây: BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 16 UBTVQH: CÁC NỘI DUNG CỦA KỲ HỌP THỨ 4 ĐÃ ĐƯỢC XEM XÉT, CHO Ý KIẾN KỸ LƯỠNG, CƠ BẢN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI
* Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã gặp mặt Đoàn đại biểu Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam.
Quang cảnh cuộc gặp mặt
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong những năm vừa qua, phong trào Cờ tướng nước nhà đã có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, chất lượng các Giải thi đấu ngày càng được nâng cao. Nhiều Câu lạc bộ Cờ tướng được thành lập ở hầu khắp các vùng miền của Tổ quốc. Cờ tướng đã trở thành môn thể thao trí tuệ được nhiều người yêu thích. Đặc biệt tại Sea Game 31 vừa qua được tổ chức tại Việt Nam, Đoàn Thể thao Cờ tướng đã giành giải nhất toàn đoàn, đạt 3 Huy chương vàng trong 4 nội dung thi đấu của Đại hội.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI GẶP MẶT ĐOÀN ĐẠI BIỂU LIÊN ĐOÀN CỜ TƯỚNG VIỆT NAM
* Chiều ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Hoạch định tương lai theo hình thức trực tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức Tòa nhà Quốc hội tại Helsinki, Phần Lan từ 12-13/10/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến gồm 12 nước tham dự. Việc tham dự Hội nghị cũng thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Phần Lan trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước phát triển hết sức tốt đẹp sau chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phần Lan tháng 9/2021.
Xem nội dung chi tiết tại đây: VIỆT NAM THAM DỰ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH TOÀN CẦU VỀ HOẠCH ĐỊNH TƯƠNG LAI
* Cũng trong chiều ngày 12/10 tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp với Ban Thư ký, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội nhằm xem xét công tác chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Ban Thư ký trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp với Ban Thư ký, lãnh đạo một số đơn vị.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo tiến hành Kỳ họp thứ 4 lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng là chính, chú ý tiết kiệm tối đa thời gian, tiến hành tuyệt đối an toàn. Điều này đòi hỏi Ban Thư ký càng phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ CUỘC HỌP BAN THƯ KÝ
* Trước đó, ngày 11/10/2022, tại thủ đô Kigali, Rwanda đã diễn ra phiên khai mạc trọng thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 145 do Quốc hội Rwanda đăng cai tổ chức. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị
Đoàn ĐBQH Việt Nam do đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã tham dự Lễ khai mạc Đại hội đồng; tham dự cuộc họp ASEAN+3 và chủ trì cuộc họp Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương; tham gia họp Diễn đàn nữ nghị sĩ. Đoàn cũng có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco để trao đổi về các hoạt động hợp tác giữa IPU với Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Nghị sĩ trẻ thế giới vào năm 2023.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐỒNG IPU-145
* Chiều ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tư an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Toàn cảnh Phiên họp
- Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng,an ninh; ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2022; phương hướng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dự toán ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2023; Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2022, phương hướng thực hiện Nghị quyết năm 2023…
Xem nội dung chi tiết tại đây: UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.
- Thảo luận tại phiên họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tư an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Chính phủ đã cơ bản khái quát đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022; đánh giá có trọng tâm những vấn đề Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tập trung chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông; từng bước hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực…
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NHẰM XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC ĐIỂM ĐEN TIỀM ẨN TAI NẠN GIAO THÔNG
* Là một trong 7 dự luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm, góp ý của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và cử tri cả nước. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri liên quan đến Dự án Luật đặc biệt quan trọng này:
PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trương Đại học Luật Hà Nội
- Đánh giá cao việc kịp thời sửa đổi toàn diện Luật này, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất cần hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo tốt hơn quyền của người có đất bị thu hồi, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch,… Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Thị Nga đề xuất xác định cơ quan định giá cấp tỉnh là cơ quan độc lập với ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nhiệm vụ định giá và quản lý giá.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS NGUYỄN THỊ NGA: CHÚ TRỌNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HỒI ĐẤT TRONG SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI
- Đưa ra quan điểm về một số nội dung cần sửa đổi trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh tới phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nêu rõ, mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tổ chức theo mô hình quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương, dựa trên ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất theo ba nội dung chính của công tác quản lý nhà nước về đất đai là quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giá đất, và quản lý quy hoạch sử dụng đất.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THỌ: XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI THỐNG NHẤT TỪ TRUNG ƯƠNG TỚI ĐỊA PHƯƠNG DỰA TRÊN ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
* Quan tâm đến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết bạo lực gia đình. Do đó, lần sửa đổi này cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định của Dự án Luật.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng cần lồng ghép bình đẳng giới trong quy định của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, bạo lực gia đình hiện nay đang chú trọng nhiều đến đối tượng phụ nữ/người vợ. Tuy nhiên, vì các điều tra quốc gia mới khảo sát phụ nữ, chưa khảo sát tình trạng bạo lực với nam giới, chưa có điều tra quốc gia về bạo lực với trẻ em, nên chưa có số liệu đầy đủ, quốc gia về nhóm đối tượng này. do đó, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này cần hướng tới lồng ghép tốt vấn đề bình đẳng giới…
Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS TRẦN THỊ MINH THI: CẦN LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CÁC QUY ĐỊNH CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
* Sáng ngày 12/10 tại Nhà Quốc hội, Chi bộ Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế (thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội) tiến hành Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cùng Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Cục trưởng Cục Quản trị I Phạm Đức Thảo dự và chỉ đạo Đại hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Cục trưởng Cục Quản trị I Phạm Đức Thảo tặng hoa chúc mừng Chi ủy Chi bộ Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế nhiệm kỳ 2022-2025.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Cục trưởng Cục Quản trị I Phạm Đức Thảo ghi nhận, nhiệm kỳ 2020 – 2022 vừa qua, Chi bộ Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế đã hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Chi bộ đề ra, đạt kết quả đồng đều và toàn diện trên các mặt công tác. Đồng thời đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, cấp ủy và Chi bộ Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế cần tiếp tục chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đảng viên và quần chúng nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẠI HỘI CHI BỘ VỤ LỄ TÂN VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ NHIỆM KỲ 2022 – 2025
* Trong ngày hôm nay (11/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri, hội nghị lấy ý kiến và nhiều hoạt động thiết thực khác để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi sáng 12/10. Ảnh: Hoàng Giang
- Sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.HCM đơn vị 10 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần của buổi tiếp xúc là sẽ lắng nghe toàn bộ tâm tư, nguyện vọng của người dân, không né tránh ngay cả những vấn đề nóng, kể cả việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các đại biểu cũng sẵn sàng dành thời gian ghi nhận những vấn đề mang hơi thở cuộc sống của người dân, phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân, bà con cử tri như chính sách phát triển huyện Củ Chi, vấn đề tăng học phí…
- Ngày 12/10, Ðoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Trao đổi với cử tri các dân tộc huyện vùng cao Mai Châu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch, đặc biệt là 2 xã đồng bào Mông tại Hang Kia, Pà Cò. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch; hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mai Châu
- Sáng 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tổ chức hội nghị tham gia góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đóng góp một số ý kiến liên quan đến công tác GPMB, thu hồi đất phục vụ các dự án; về việc bỏ khung giá đất; về những loại giấy tờ lam căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ hơn các quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển KTXH; nêu một số mâu thuẫn, chưa phù hợp trong công nhận quyền sử dụng đất đối với đất tôn giáo...
- Sáng 12/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương làm việc với Sở Tài chính về một số nội dung có liên quan trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp thu một số kiến nghị để đề xuất Trung ương xem xét có hướng thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời đề nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương giải quyết những bất cập của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.
- Sáng 12/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào các dự án luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh ghi nhận ý kiến tham gia góp ý vào dự án luật của các đại biểu. Đồng chí mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng các dự án luật gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tổng hợp và gửi đến các cơ quan soạn thảo luật của Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
- Trong hai ngày 11 và 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tổ chức lấy ý kiến đối với một số dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề cần làm rõ, đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn; việc sử dụng đất nằm trong hành lang an toàn giao thông…
- Sáng 12/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn; đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới. Đồng thời đề nghị nghiên cứu sử dụng cụm từ phù hợp về giải thích từ ngữ tại Khoản 4 Điều 3…
- Sáng 12/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ cũng như đưa ra tiêu chí cụ thể về việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại Điều 102; cần có giải pháp quản lý việc đăng ký hành nghề của các bác sĩ để kiểm soát vị trí, khung thời gian, địa điểm, cơ sở bác sĩ đăng ký hành nghề…