ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÀO CAI TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
* Chiều 06/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (sửa đổi).
Các đồng chí: Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh; Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Nguyễn Thị Lan Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai khóa XV, Trưởng Khoa Nông – Lâm, Trường Cao đẳng Lào Cai đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.
Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp thực tiễn. Do đó, dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (được đổi tên từ Luật Hợp tác xã) đã được xây dựng với mục tiêu khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững.
Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác gồm 12 chương, 117 điều, quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã; chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác; nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện.
Đại biểu góp ý kiến vào Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Cụ thể, đề nghị giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã” vì tên Luật cơ bản đảm bảo bao quát các loại hình kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết 20 – NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và ít ảnh hưởng đến việc tham chiếu, việc áp dụng pháp luật và hệ thống pháp luật hiện hành. Về độ dài của dự thảo luật, đại biểu cho rằng dự thảo luật dài, điều này làm cho người dân, nhất là nông dân và một bộ phận người dân trình độ nhận thức không cao trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, thực hiện. Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo Dự thảo luật nghiên cứu rút ngắn độ dài của dự thảo luật; những vấn đề chưa thật sự cần thiết phải đưa vào luật nên bóc tách đưa vào nghị định của Chính phủ và các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành sau này.
Đại biểu dự hội nghị nhất trí đề nghị không đưa "Liên đoàn hợp tác xã" (điều 83, khoản 2 của dự thảo luật) vào dự thảo vì tổ chức, quy định, chức năng, nhiệm vụ của liên đoàn hợp tác xã chưa rõ ràng, nhất là hiện nay ở nước ra chưa có loại hình tổ chức này. Đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo Dự thảo luật cần làm rõ về vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của liên minh hợp tác xã; bỏ quy định về “Liên minh hợp tác xã hoạt động theo các quy định của pháp luật về hội”; bổ sung sửa đổi quy định 106 Dự thảo Luật về “Liên minh hợp tác xã”...
Ngoài ra, đại biểu dự hội nghị cũng có ý kiến đối với một số nội dung cụ thể, được quy định tại một số điều, khoản nêu trong dự thảo luật.
Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Các ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là rất cụ thể, sát thực tế, chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế của Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác chất lượng. Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai xây dựng nội dung báo cáo, tham gia ý kiến vào các diễn đàn xây dựng văn bản luật của Quốc hội; góp phần đảm bảo luật được ban hành đáp ứng yêu cầu, mục đích, phù hợp và đạt hiệu quả trong thực tiễn.
* Trước đó, chiều 05/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, bất cập.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều; trong đó, bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật Đất đai năm 2013; quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý, sử dụng đất đai, quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia ý kiến về: Cần có quyết tâm chính trị cao để xóa bỏ cơ chế xin - cho, các yếu tố mang tính cá nhân, bởi đây là những rào cản cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; cần phân định rõ giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai; bảng giá đất phải phù hợp với giá trị thị trường và cập nhật giá đất hàng năm; quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về Luật Đất đai...
Các đại biểu dự hội nghị cũng nhất trí để chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung; cần sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với tình hình thực tế...
Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị.
Các ý kiến góp ý dự thảo luật tại hội nghị sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tổng hợp, tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.