ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4 VÀ LẤY Ý KIẾN THAM GIA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

05/10/2022

Chiều ngày 04/10/2022, tại phòng họp trực tuyến trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang gồm các ông, bà: Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa XV tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4 và lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 11 huyện, thành phố.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN SỬA ĐỔI VÀ LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Dự tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định đã thông báo đến toàn thể đại biểu và cử tri các điểm cầu về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022.Kỳ họp Quốc hội sẽ được tổ chức tập trung tại Nhà Quốc hội. Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 01 kỳ họp);  Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 01 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk.

Quốc hội sẽ cho ý kiến 07 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

Nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV.

Điểm cầu các huyện, thành phố.

Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốchội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốchội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có). Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự; quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có) và xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại Hội nghị, sau khi nghe đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định báo cáo tóm tắt dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, đã có 17 lượt đại biểu phát biểu tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Cơ bản các đại biểu đồng tình nhất trí cao việc cần thiết phải ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi. Vì Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đã tạo khung khổ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã. Sau 10 năm thực hiện luật đã tác động tích cực đến hoạt động của các hợp tác xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chưa bao quát đầy đủ các loại hình tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời cần sửa đổi luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Việc lấy ý kiến rộng rãi vào dự án Luật nhằm hoàn thiện dự thảo và đảm bảo tính phù hợp, khả thi của Luật là rất cần thiết.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lò Thị Mỷ phát biểu.

Theo đó, dự án Luật Hợp tác xã năm (sửa đổi) gồm 12 Chương, 117 Điều. So với Luật Hợp tác xã năm 2012 tăng 3 Chương, 53 Điều. Trong đó cụ thể bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 71 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật năm 2012. Nội dung tập trung gồm 5 nhóm chính sách lớn, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã sửa đổi. Còn một số đại biểu đề nghị đổi tên thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác cho phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời các đại biểu cũng đề nghị Luật cần quy định rõ hơn về nguyên tắc tổ chức hoạt động, điều kiện trở thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên liên kết; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Mô hình có nguyên tắc hoạt động của từng loại hình tổ chức kinh tế này; các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã. Đối với các quy định về Liên đoàn Hợp tác xã, Các quy định về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, đặc biệt là các quy định về tín dụng nội bộ, ưu đãi tín dụng và cơ quan nhà nước quản lý hoạt động này. Các quy định về thành viên mô hình tổ chức, quản trị của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Lưu ý các quy định về thẩm quyền quyết định các nội dung trong quá trình hoạt động như mua, bán tài sản, góp vốn, hoàn trả vốn, phân chia thu nhập theo từng loại hình; quy định về chế độ kế toán, về kiểm toán, quy định về quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

Bên cạnh đó, cử tri huyện Mèo Vạc cũng kiến nghị Chính phủ xem xét không tinh giảm biên chế đối đối với các huyện vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… để đảm bảo số lượng giáo viên bám trường, bám lớp.

Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang phát biểu kết luận Hội nghị.

Thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, đồng chí Lý Thị Lan,  Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu, cử tri các điểm cầu. Đồng thời cũng mong muốn các Sở, Ban, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu dự án luật để tham gia ý kiến bằng văn bản gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, tham gia phát biểu ý kiến góp phần hoàn thiện dự án luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Lan Phương