Dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo cac cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định việc sửa đổi Nội quy kỳ họp 2015 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc thực hiện, đồng thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật là cần thiết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm rõ, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướngquy định đầy đủ quy trình, thủ tục một cách chặt chẽ, khoa học, hợp lý; những quy trình, thủ tục đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định cụ thể mà chỉ dẫn chiếu đến quy định của Luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình
Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; đồng thời, nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện hiệu quả tại các kỳ họp; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp, tạo thuận lợi để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Nêu những điểm mới cơ bản, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết dự thảo Nội quy sửa đổi bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường, về hình thức làm việc trực tuyến, trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham dự kỳ họp; trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội biểu quyết trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết…Dự thảo Nội quy sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp theo hướng tiếp tục áp dụng đổi mới, cải tiến về tài liệu kỳ họp đã được triển khai hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo đó tờ trình, báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết được gửi tới đại biểu Quốc hội bằng hình thức văn bản điện tử, có quy định việc công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi tại phiên họp
Trao đổi tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Nội quy kỳ họp được ban hành đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 và các luật liên quan. Tuy nhiên từ 2015 đến nay và nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiều hoạt động cải tiến đổi mới trong quy trình kỳ họp, quy trình xử lý các nội dung tại kỳ họp được thực hiện và thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, họp trực tuyến, tài liệu điện tử, đăng kí phát biểu tranh luận, lấy ý kiến phiếu điện tử…là những nội dung cần được thể chế trong Nội quy để có cơ sở pháp lý thực hiện ổn định.
Cho biết dự thảo Nội quy sửa đổi lần này với số lượng lớn các điều khoản được sửa đổi bổ sung, thiết kế lại bố cục...với nhiều điểm mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung của dự thảo Nội quy đảm bảo đám ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giải quyết được nhiều nhất, tốt nhất công việc trong thời gian ngắn nhất; nhấn mạnh xuyên suốt của Nội quy là quy định nguyên tắc trình tự thủ tục để tiến hành kì họp, thẩm quyền của các chủ thể tham gia và không quy định lại các quy định đã có trong luật; rà soát tính thống nhất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, hiệu quả của các nội dung mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên trình bày dự thảo báo cáo của Ủy ban
Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với với việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Trưởng ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu, chất lượng, tiếp thu nhanh chóng, nghiêm túc kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến của các đại biểu từ các lần cho ý kiến trước, các đại biểu đều cho rằng nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự thảo Nội quy kỳ họp cơ bản đã đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu tại phiên họp
Các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về “Tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước” vì đây là nội dung cải tiến, đổi mới trong việc tổ chức kỳ họp Quốc hội, đã được thực tiễn kiểm nghiệm có hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn một số hồ sơ dự án luật, nghị quyết lớn như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), việc chỉ có tài liệu điện tử sẽ gây khó khăn trong quá trình đối chiếu rà soát, theo dõi. Do đó các đại biểu đề nghị đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thì vẫn tiếp tục thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 73 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “Tờ trình, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử”.
Đặc biệt, các đại biểu thống nhất cao với việc bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu, theo đó “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội” nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội theo dõi, tổng hợp danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tài liệu chậm, lý do gửi chậm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.