Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
* Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Hội nghị đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ giám sát năm 2022, thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện các nhiệm vụ giám sát năm 2023. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định năm 2022 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm trong công tác giám sát của Quốc hội.
Nhân sự kiện này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục có các bài viết “Dấu ấn đổi mới, khẳng định quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” và ghi nhận ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, ĐBQH Phạm Văn Hoà về kết quả Hội nghị.
Xem chi tiết tại đây: GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ: DẤU ẤN ĐỔI MỚI, KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI
* Chiều ngày 28/9 tại Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Phó Chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Thái Lan Singsuk Singpai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: chuyến thăm của Phó Chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Thái Lan sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa hai Quốc hội, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Thái Lan Singsuk Singpai.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Lan chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, dữ liệu thị trường, tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam vào Thái Lan, đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn, giảm nhập siêu cho Việt Nam; Tăng cường hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân; Tiếp tục quan tâm tạo điểu kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống, học tập tại Thái Lan, ủng hộ công tác của các hội đoàn người Việt ở sở tại.
* Sáng ngày 28/9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Lào tới dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ V. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chị đạo tại Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Lào lần thứ V
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các tổ chức hữu nghị nhân dân hai nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết sâu sắc trong các tầng lớp Nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử vẻ vang, hào hùng của quan hệ Việt Nam - Lào và cùng chung tay giữ gìn, vun đắp và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự phát triển phồn vinh của hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực.
Xem chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ LIÊN HOAN HỮU NGHỊ NHÂN DÂN LÀO – VIỆT NAM LẦN THỨ V
* Cũng trong sáng nay 28/9, tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trả lời những kiến nghị của cử tri huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã giải trình một số vấn đề cử tri quan tâm; đề nghị lãnh đạo tỉnh, huyện Kiến Xương kiểm tra, xử lý kịp thời một số vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền; tiếp thu kiến nghị của cử tri, tổng hợp gửi kỳ họp Quốc hội tới. Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc cử tri tại huyện Tiền Hải.
Xem chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI THÁI BÌNH
* Chiều ngày 28/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV tại huyện Thanh Hà.
Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương báo cáo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư, cử tri huyện Thanh Hà đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội thời gian qua, luôn quan tâm lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời một số kiến nghị của cử tri huyện Thanh Hà.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trả lời một số kiến nghị của cử tri huyện Thanh Hà.
Xem chi tiết tại đây: TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN THANH HÀ, HẢI DƯƠNG
* Sáng ngày 28/9, Tổ đại biểu Quốc hội số 1 đơn vị tỉnh Đồng Nai gồm các đại biểu: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri phường Tân Hạnh (Tp.Biên Hòa). Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội số 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường ghi nhận những kiến nghị của cử tri, đồng thời khẳng định các ý kiến cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, chuyển tải tới Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường tiếp xúc cử tri tỉnh Đồng Nai.
Xem chi tiết tại đây: ĐỒNG NAI: CỬ TRI TRĂN TRỞ NHIỀU VẤN ĐỀ DÂN SINH
* Ngày 28/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Tại phiên họp, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi. Ủy ban Xã hội cũng thẩm tra 5 Báo cáo của Chính phủ về: Việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2021; Việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về nội dung phòng, chống Covid-19; Việc thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm Xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2021; Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7.2021 đến nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp
Cùng với đó, các thành viên Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 về lĩnh vực y tế, dân số, lĩnh vực lao động - thương bình và xã hội; việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Xem chi tiết tại đây: UỶ BAN XÃ HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7
* Sáng 28/9, tại Ninh Bình, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần 9. Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra chính thức các báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao năm 2022; báo cáo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); xem xét thông qua dự thảo báo cáo công tác năm 2022, dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Pháp luật và thông qua chương trình giám sát năm 2023; Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật
Xem chi tiết tại đây: ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 9
* Sáng 28/9 tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia để đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung đóng góp ý kiến các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì Tọa đàm. Tại buổi Toạ đàm, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Xem chi tiết tại đây: ỦY BAN ĐỐI NGOẠI TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
* Cũng trong ngày hôm nay 28/9, nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức giám sát, tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sắp tới; kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri…