GIÁM SÁT TRÚNG VÀ ĐÚNG NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

27/09/2022

Ngay từ đầu Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề ra mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; Giám sát trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai Kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Sáng ngày 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, thể hiện rõ tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Giám sát là phải có trọng tâm trọng điểm, quy được trách nhiệm cụ thể

Phát biểu tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tinh thần giám sát là phải có trọng tâm trọng điểm, quy được trách nhiệm cụ thể, cá thể hoá được trách nhiệm tập thể, cá nhân. Chỗ nào tốt biêu dương khen thưởng, chỗ nào làm chưa đến nơi đến chốn, làm sai xem xét trách nhiệm, phải kiến nghị được để xử lý những tồn đọng hiện nay, kiến nghị được liên quan sửa đổi hệ thống pháp luật, chấn chỉnh lại trong cách thức tổ chức thực hiện”.

Trên tinh thần đó, các hoạt động giám sát đã được Quốc hội chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả, đầy đủ trên các phương diện: Xem xét các báo cáo của các cơ quan; Chất vấn và trả lời chất vấn, phiên giải trình; Về hoạt động giám sát chuyên đề; Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tinh thần giám sát là phải có trọng tâm trọng điểm, quy được trách nhiệm cụ thể.

Trong số các giám sát thường niên, không chỉ 4 chuyên đề được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát có sự thay đổi rõ rệt, mà các nhiệm vụ khác, các lĩnh vực khác đều có sự nhìn nhận, đánh giá hết sức khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, tránh tính hình thức.

Sự thay đổi đó đã thổi làn gió đổi mới vào cả hệ thống Chính trị từ Trung ương đến địa phương, thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Năm 2022: Hoạt động giám sát góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự

Trong năm 2022, các hoạt động giám sát đã được Quốc hội chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả, đầy đủ trên các phương diện.

Về hoạt động xem xét các báo cáo của các cơ quan, triển khai tinh thần đổi mới mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề ra, các hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV đều đảm bảo đầy đủ các yếu tố như: chỉ đạo, yêu cầu cụ thể hơn về phạm vi, bố cục Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể; đồng thời, đánh giá, kiến nghị các giải pháp trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm, những vấn đề quan trọng cần Quốc hội thảo luận, có kiến nghị quyết sách trong nghị quyết của Quốc hội.

Hoạt động chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, thông qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại kỳ họp, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát những vấn đề của thực tiễn, thể hiện rất “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Đặc biệt, tiếp tục tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm lựa chọn nhiều vấn đề về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề và chất vấn để đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Năm 2022 là một năm đổi mới, mở ra các hoạt động giám sát toàn diện, quy trình chặt chẽ, mở rộng địa điểm giám sát, qua đó chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cuộc chuyên đề giám sát được nâng cao, được Chính Phủ, các Ban, Bộ, ngành, địa phương và cử tri nhân dân đánh giá cao. Kết quả giám sát đã từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động giám sát của Quốc hội; là minh chứng cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước.

Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng được đặc biệt quan tâm. Ngày 22/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đây là nghị quyết lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành với các quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật, là căn cứ để các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận tại phiên họp hằng tháng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri. Đồng thời chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương. Một số vụ việc phức tạp khác đã được các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh đẩy nhanh tiến độ và sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có thể nói, trong năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các hoạt động giám sát của các Cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Việc cụ thể hóa những đổi mới trong hoạt động giám sát khi ban hành một số văn bản mới như kết luận của Đảng Đoàn Quốc hội về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn giám sát của HĐND các cấp đã cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV ngày càng sâu sát, chặt chẽ, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Năm 2023: Thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Tiếp tục lựa chọn trúng và đúng những vấn đề của cuộc sống, năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề:

- Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng 

- Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 02 chuyên đề:

- Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021

Xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, năm 2023 được coi là năm quan trọng, tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Phát biểu bế mạc Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để hoạt động giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được triển khai đúng như kỳ vọng, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, các cơ quan cần xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát.

Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn và ban hành nghị quyết về chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển", Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Nhấn mạnh Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi ĐBQH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như chỉ đạo và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV./.

Trọng Quỳnh