BỔ SUNG QUY ĐỊNH “DỊCH VỤ TIN CẬY LÀ NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN” TRONG DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

26/09/2022

Quan tâm đến dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cho rằng, dự thảo còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, nghiên cứu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ tin cậy. Đồng thời nghiên cứu, rà soát thêm việc phân loại các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở để Chính phủ ban hành quy định chi tiết.

Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu 08 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 08 chương và 56 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021. Việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Giao địch diện tử năm 2005 đã có đề cập đến tính tin cậy trong các giao dịch điện tử, nhưng cần bổ sung quy định để chứng thực giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và các yếu tố cấu thành, đảm bảo giao dịch điện tử an toàn, tin cậy và hỗ trợ để các hoạt động giao dịch điện tử chuyên nghiệp, phù hợp yêu cầu trong thực tế phát triển. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng quy định về Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai trên thực tế, dự thảo Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, dự thảo Luật đã làm nổi bật được các khía cạnh như sau:

          (i) Khẳng định giá trị, tính pháp lý của các giao dịch điện tử và sử dụng công nghệ thông tin, công cụ điện tử trong giao dịch

          (ii) Làm rõ được các yếu tố, công cụ điện tử trong giao dịch, thực hiện bằng phương thức điện tử

          (iii) Thể hiện rõ các chính sách khuyên khích của Nhà nước đối với giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công thương cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chung chung, chưa rõ ràng, có thể gây ra chồng lấn, bất cập khi thực hiện.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn

Về khái niệm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã bổ sung các khái niệm “nền tảng số”, “nền tảng số trung gian”, hiện cũng đang được quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Tuy nhiên, 2 khái niệm nêu trên tại 2 dự thảo Luật đang chưa được đồng nhất, vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ và tính khả thi trong tổ chức thực hiện của hai dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện các khái niệm nêu trên theo hướng cụ thể như sau: “Nền tảng số trung gian là nền tảng số cho phép các bên tương tác để thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình giao dịch hoặc cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.”

Trong thực tế, nền tảng số trung gian ngoài vai trò là bên cung cấp dịch vụ cho các bên khác giao dịch với nhau thì còn trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng và các bên khác tham gia giao dịch. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do các người sử dụng dịch vụ khác (khách hàng) của chính nền tảng cung cấp trên nền tảng đó. Để tăng cường tính minh bạch và đảm bảo môi trường cạnh tranh trên các nền tảng này, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Chính phủ thống nhất về việc đặt ra các quy định để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này của các nền tảng số trung gian (tại Điều 17 và Điều 40).

Do vậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cho rằng, việc quy định như khái niệm tại dự thảo Luật này sẽ vô hiệu hóa các điều khoản nói trên của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quan tâm về dịch vụ tin cậy, Khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định “dịch vụ tin cậy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc kinh doanh dịch vụ tin cậy phải tuân thủ các quy định của Luật này và Luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, khi tham chiếu sang quy định của pháp luật về đầu tư, dịch vụ tin cậy chưa có nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật về đầu tư. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, nghiên cứu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung các loại hình dịch vụ này.

Đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sự phù hợp về thẩm quyền quản lý nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 29 về dịch vụ tin cậy. Ông Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, đây là các nội dung mang tính liên ngành (tài chính, ngân hàng…) nên Cơ quan có thẩm quyền là Chính phủ thì đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư (về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh) cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.

Đề cập đến vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, hợp đồng điện tử là một hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu. Do vậy, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu sẽ có thể bao gồm dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (hiện nay đang được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Do đó, với quy định như tại dự thảo Luật có thể gây chồng chéo về quản lý khi triển khai thực hiện. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý rà soát về nội dung này, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật.

Về phân loại hệ thống thông tin, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm việc phân loại các hệ thống thông tin tại Điều 47 dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở để Chính phủ ban hành quy định chi tiết. Theo đó, việc phân loại theo chủ quản, theo chức năng – tính năng (tại điểm b khoản 1) và theo loại hình nền tảng số hiện vừa quá chi tiết, trùng lắp và vừa quá khái quát; việc phân loại theo nền tảng số (tại điểm c khoản 1) khác với nêu trong khái niệm nền tảng số và đánh đồng giữa “nền tảng số” với “hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử” là chưa thực sự khoa học, tường minh. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại nội dung này./.

Bích Ngọc