Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Phát biểu ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật, đồng thời nhấn mạnh chất lượng dự án Luật đang tương đối tốt, đảm bảo giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện tại, có tính khả thi cao khi áp dụng trong thực tế. Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, Điều 24 và Điều 32 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, trong đó sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung về kế hoạch, về tổ chức thực hiện kế hoạch, về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra… Theo đại biểu, cần phải bổ sung thêm một nhiệm vụ nữa, đó là cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra trong việc tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp dưới. Trên thực tế, việc thanh tra trách nhiệm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, việc tiếp công dân đang được các cơ quan thanh tra cũng đã tiến hành. Lần sửa đổi này, cần quy định cụ thể hơn, làm tốt việc thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như Ủy ban nhân dân cấp dưới thì sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đối với nội dung quy định về Ban tiếp công dân ở cấp huyện, đại biểu cho rằng nên giao cho cơ quan thanh tra để tập trung vào một đầu mối, làm tốt hơn chức năng tham mưu, chức năng quản lý nhà nước đối với công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực tế hiện nay, thành lập Ban tiếp công dân do Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân phụ trách đều là kiêm nhiệm. Đại biểu nêu rõ, việc tiếp dân là một khâu rất quan trọng, là khâu đầu tiên của quá trình xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, cho nên quy định là thuộc về thanh tra, giao nhiệm vụ cho thanh tra huyện là phù hợp.
Đối với quy định về tổ chức của các tổ chức thanh tra, tại các Điều 18, Điều 26, Điều 30 và Điều 34 quy định trước khi bổ nhiệm Chánh Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện thì Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải thống nhất với Chánh Thanh tra cấp trên. Theo đại biểu, cũng cần phải cân nhắc thêm vấn đề này, không nên phải hiệp y trước bổ nhiệm để giảm bớt thủ tục hành chính. Bởi vì, trên thực tế các phòng, ban hay là các sở, ngành khi bổ nhiệm thì cũng không việc hiệp y với cơ quan cấp trên. Đại biểu đề nghị là khi bổ nhiệm Chánh Thanh tra không cần phải quy định là phải hiệp y bổ nhiệm với cơ quan thanh tra cấp trên.
Đối với nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, tại khoản 1 Điều 52 quy định giải quyết chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán trong trường hợp không thống nhất, cơ quan nào tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Theo đại biểu, quy định như trên chưa bao quát hết các trường hợp thực tế, bởi vì có trường hợp chưa triển khai hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán mà chúng ta đã phát hiện ngay mâu thuẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch thì sẽ rất khó xử lý. Đại biểu đề nghị để xử lý vấn đề này nên giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét và quyết định. Bên cạnh đó, không chỉ quy định về xử lý chồng chéo giữa Thanh tra sở với Thanh tra huyện, mà cũng cần xem xét, quy định để xử lý chồng chéo giữa Thanh tra các sở với nhau.
Ngoài ra, trong Luật Thanh tra từ Điều 95 đến Điều 99 có đề cập vấn đề hoạt động giám sát quá trình thanh tra của Đoàn thanh tra, nhưng chưa có quy định cụ thể việc giám sát ở các cấp đối với quá trình hoạt động của Đoàn thanh tra. Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ hơn về nội dung này, theo đó, đề nghị cần có quy định cụ thể về quy trình, tự thủ tục để thực hiện đồng bộ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, nên quy định đối cấp tỉnh trở lên. Bởi vì, đối với cấp huyện với số lượng biên chế được 4 người, 5 người, tôi nghĩ rằng việc thực hiện giám sát đối với hoạt động của Đoàn thanh tra sẽ rất khó khăn và tính khả thi sẽ khó.
Đại biểu cũng đề nghị cũng cần cân nhắc kỹ nội dung Điều 73, về quy định thẩm định dự thảo về kết luận thanh tra, bởi vì, phân công tổ chức, cá nhân, thẩm định không chắc sẽ đảm bảo được chất lượng, còn quy trình, trình tự, thủ tục thẩm định thì chưa được quy định trong luật. Đại biểu đề nghị cũng cần phải làm rõ vấn đề này, trong khi để có kết luận thanh tra thì chúng ta phải thực hiện cả một quá trình thu thập thông tin, thẩm tra, xác minh rất cẩn thận. Cho nên, việc mà giao cho tổ chức, cá nhân phải thẩm định căn cứ vào đâu để thẩm định hay phải thu thập lai những thông tin, tài liệu, số liệu, như thế sẽ rất mất nhiều thời gian. Dự án Luật quy định là "đối với huyện được tiến hành thẩm định khi cần thiết", nhưng luật chuea quy định rõ như thế nào là cần thiết, nên cần cần làm rõ vấn đề này, đảm bảo các quy định trong luật được tường minh, rõ ràng, thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn.