THÔNG CÁO BÁO CHÍ PHIÊN HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ 2 “THÚC ĐẨY VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG, TẠO ĐỘNG LỰC PHỤC HỒI SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

18/09/2022

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, sau phiên khai mạc Diễn đàn, cùng với phiên Hội thảo Chuyên đề 1, đã diễn ra phiên Hội thảo Chuyên đề 2 “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám  đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo Chuyên đề 2 “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”

Tham dự phiên Hội thảo Chuyên đề 2 có Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ; Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, đại diện lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân và các cơ quan báo chí.

Tại phiên Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận: (1) “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới” của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; (2) “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới” của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam; (3) “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” của ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Các đại biểu cũng nghe thảo luận bàn tròn với 10 lượt ý kiến phát biểu của các diễn giả: Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Jonathan Picus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam; ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI; TS. Trần Du lịch, ĐBQH khóa XIII do PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh điều phối.

Đa số ý kiến đại biểu nhận định đại dịch COVID-19 diễn ra trong hai năm 2020, 2021 vừa qua đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước, làm phát sinh, bộc lộ nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm giải quyết. Ngay khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc để tìm phương án phục hồi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc hội và Chính phủ đã khẩn trương, quyết liệt đưa ra các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, sức bật cho nền kinh tế phục hồi, điển hình là Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế làm cơ sở để Chính phủ ban hành, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP. Các chính sách được tính toán kỹ lưỡng, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực thực tế của đất nước và nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế không chỉ thể hiện ở các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng (như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu hay tổng vốn đầu tư xã hội) mà còn thể hiện ở tín hiệu tích cực của các chỉ số về xã hội (như tỷ lệ thất nghiệp, sự gia tăng số lượng việc làm mới, tỷ lệ giảm nghèo, v.v…). Vì vậy, xuất phát từ việc triển khai các chính sách kinh tế - xã hội trên thực tế và kết quả đạt được còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc sau: (1) Doanh nghiệp đang phải đối mặt với một số khó khăn do trong tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thiếu vốn lưu động, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao nhưng doanh thu và lợi nhuận bị thu hẹp; (ii) Thị trường lao động - việc làm tại các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tuyển dụng lao động; tỷ lệ lao động phi chính thức lớn, cung - cầu lao động thiếu cân bằng và có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ ở một số địa phương hay ngành, lĩnh vực kinh tế; (iii) Mức độ bao phủ mạng lưới an sinh xã hội chưa đủ lớn; trong đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và giáo dục hướng nghiệp vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Tuy chính sách được ban hành đúng lúc nhưng điều kiện đáp ứng còn bất cập, thủ tục hành chính còn rườm rà khiến chi phí tuân thủ chính sách lớn. Trong một số trường hợp, các chính sách ban hành chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp; chính sách và quy mô các gói hỗ trợ còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động; hiệu quả tác động của chính sách chưa đạt được như kỳ vọng và chưa được đánh giá toàn diện.

Đứng trước những khó khăn và bất cập nêu trên, các đại biểu, chuyên gia, học giả và nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp tâm huyết, cụ thể như sau:

Một là, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định vĩ mô, đặc biệt là thị trường tài chính, cần bảo đảm những cân đối lớn trong nền kinh tế. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đạt được hiệu lực và hiệu quả.

Hai là, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong quy định pháp luật hoàn thiện khung khổ pháp lý; tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp, tài chính, logistics, bất động sản, v.v.

Ba là, cần đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động - việc làm hiện đại, liên thông, kết nối đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hoá lao động phi chính thức, tăng độ bao phủ an sinh xã hội. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như: chuyển đổi đa dạng, hiệu quả phương thức đào tạo nghề, bảo đảm các tiêu chí về quy mô và cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động; xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai, v.v…

Bốn là, cần tạo điều kiện để các địa phương, các ngành kinh tế phát triển; đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; tăng cường liên kết vùng nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Năm là, tăng tốc và đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Điều này cần được triển khai thông qua các giải pháp cụ thể như xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý nhà nước, tích hợp các loại giấy tờ hành chính trong cùng một hệ thống đồng bộ, thúc đẩy cung ứng dịch vụ công phát triển theo hướng chính phủ phục vụ, v.v…

Cuối cùng, để các chính sách của Nhà nước thực sự đem lại hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch, doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, áp dụng các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động trong phát triển thị trường, định hướng thói quen của người tiêu dùng, khai thác tối đa các lợi thế về khoa học công nghệ, thương mại điện tử, tham gia sâu sắc và gắn kết hơn với chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai các chính sách của Quốc hội, Chính phủ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Kết luận phiên Hội thảo Chuyên đề 2, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao chất lượng các tham luận và ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, phản ánh toàn diện các thách thức mà doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế đang phải đối mặt hiện nay; đồng thời, đưa ra các giải pháp phù hợp và đề cao trách nhiệm hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người lao động để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội./.

Các bài viết khác