Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu
Tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, Điều 58 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: "Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". Để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo luật được thể chế theo đúng quy định của Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và quy định của Điều 68a Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị cần thể hiện rõ khoản 1 Điều 4 với nội dung “Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu rõ, chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù về khám, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định Điều 58 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và các chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ, nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên
Cùng chia sẻ về nội dung này, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện rõ khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật về nội dung Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời đề nghị quy định cụ thể việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi trong dự thảo luật. Đảm bảo có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho việc chi trả nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để can thiệp và điều trị sớm cho trẻ em suy dinh dưỡng hiện nay. Theo đại biểu, đây chính là sự cụ thể hóa một phần nội dung Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 dự thảo Luật.
Trong các phiên họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhiều ý kiến về vấn đề tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-BY hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số.
Theo đó, Quyết định này đặt chỉ tiêu chuyên môn phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đào tạo 820 học viên Chuyên khoa I, Chuyên khoa II và sinh viên ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật Y học cho các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng áp dụng của Quyết định bao gồm: Người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi; Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện huyện; Cán bộ y tế, dân số; nhân viên Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện huyện; nhân viên trạm y tế xã, viên chức dân số xã; nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số; cô đỡ thôn bản.
Theo Quyết định, đối tượng hưởng thụ bao gồm: Bác sĩ đã tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bác sĩ đã tốt nghiệp, có hộ khẩu thường trú thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Sinh viên đã trúng tuyển và nhập học đối với ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật y học trình độ đại học, có hộ khẩu thường trú thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Các đối tượng được thụ hưởng của dự án phải cam kết công tác lâu dài tại đơn vị y tế tuyến cơ sở thuộc địa bàn thực hiện dự án (tối thiểu 05 năm) tính từ thời gian trực tiếp làm việc tại bệnh viện/ trung tâm y tế tuyến huyện/ trạm y tế xã (không kể thời gian đào tạo). Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tại địa phương thực hiện ký cam kết về thời gian công tác với đối tượng được dự án hỗ trợ đào tạo.
Về nội dung thực hiện, chương trình sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho bác sĩ đã tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho bác sĩ đã tốt nghiệp, có hộ khẩu thường trú thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ đào tạo cử nhân Điều dưỡng, cử nhân các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật Y học cho các Sinh viên đã trúng tuyển ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật y học trình độ đại học, có hộ khẩu thường trú thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.