Tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam. Những hoạt động thiện nguyện cứu giúp người khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh luôn được cộng đồng góp sức. Không chỉ có Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hay là Hội Chữ thập đỏ mà ngày càng có nhiều cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng tham gia hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, những góc khuất, những mặt trái phía sau của việc quyên góp từ thiện lại chưa được nhận diện rõ.
Vừa qua, sau những thông tin tiêu cực về hoạt động từ thiện, tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 thay thế cho Nghị định 64/2008 với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của chủ thể là cá nhân. Tại Nghị định này đã quy định rõ hơn phạm vi vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng, UBND tỉnh, huyện và cá nhân có năng lực thực hiện. Đồng thời, quy định cụ thể hơn quy trình thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo của các chủ thể tham gia, với một số yêu cầu chặt chẽ hơn với họ.
Tiếp đó, từ ngày 1/9 tới, với Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 5/7/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về sổ sách, báo cáo và minh bạch thông tin. Đây được coi là một trong những công cụ pháp lý để lấp lỗ hổng về công tác quản lý và tăng tính minh bạch cho các hoạt động thiện nguyện.
Thông tư 41/2022/TT-BTC áp dụng với Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện xã); các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.
Theo quy định tại Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.
Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư cũng nêu rõ, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.
Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được tiếp tục thực hiện chế độ kế toán đang áp dụng đến hết năm tài chính 2022. Từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp áp dụng Thông tư số 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính đến hết năm tài chính 2022, từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân khác có tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện thực hiện theo quy định của Thông tư này kể từ ngày 01/09/2022.
Như vậy, với sự ra đời Thông tư 41/2022/TT-BTC kỳ vọng sẽ góp phần đưa hoạt động thiện nguyện vào nề nếp, thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, rất cần sự nghiêm túc trong triển khai của các tổ chức, cá nhân. Việc tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật sẽ góp phần quan trọng đảm bảo hoạt động từ thiện được thực hiện đúng “bản chất” vốn có./.