ĐỂ CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐBQH KHÔNG CÒN LÀ KHẨU HIỆU MÀ THỰC CHẤT, ĐỘT PHÁ

31/08/2022

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách”, các đại biểu đã chỉ ra vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề nghị cần có hướng dẫn quy định cụ thể, nâng cao hơn nữa vị thế của ĐBQH chuyên trách, nhất là đại biểu tại địa phương trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức tại địa phương, bảo đảm cho hiệu hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của đại biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: 05 yếu tố góp phần vào thành công của Quốc hội

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp về sự tăng cường, nâng cao chất lượng đại biểu thực chất, đột phá, khả thi

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; có trách nhiệm giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giảm sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Hoạt động của đại biểu Quốc hội có phạm vi rất rộng, không chỉ về các vấn đề của cử tri, người dân khu vực bầu cử, mà còn liên quan đến lợi ích của quốc gia, Nhân dân cả nước, mọi mặt của đời sống xã hội, sự phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách”

Như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định, chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội chính là thước đo quan trọng làm nên thành tựu, dấu ấn của Quốc hội qua mỗi nhiệm kỳ. Do đó, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ hoàn thiện về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng luôn xuyên suốt, nhất quán trong quan điểm, chủ trương của Đảng, được khẳng định tại các nghị quyết, văn kiện của Đảng qua các khóa; đồng thời là yêu cầu, nhiệm vụ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động xác định 137 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách”. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dù nội dung Đề án này không mới, nhưng luôn có sức thu hút ở mọi nhiệm kỳ, luôn nhận được sự quan tâm đông đảo không chỉ từ phía người trong cuộc; mà còn là sự mong đợi, kỳ vọng từ phía cử tri, Nhân dân. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ mong muốn thông qua Đề án này, giải pháp về sự tăng cường, nâng cao không dừng ở khẩu hiệu, mà phải là thực chất, đột phá, khả thi.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách”, nhiều ý kiến cho rằng Đề án cần có thêm đánh giá thực trạng và có kiến nghị, đề xuất để làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Lã Thanh Tân đặt vấn đề cần khẳng định và nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội, bởi đây là cơ sở để các đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình nhất là trong thực hiện giám sát tại địa phương. Theo đại biểu, nếu so sánh vị thế giữa đại biểu chuyên trách ở địa phương với các cơ quan cùng cấp, trong một số trường hợp về mặt Đảng thì không bằng, khi đó sẽ không đảm bảo vai trò khi giám sát, khó thực hiện nhiệm vụ. 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải phòng Lã Thanh Tân 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động cho đại biểu đặt trong mối tương quan với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị cần rà soát, đánh giá các quy định hiện hành có bảo đảm điều kiện cho đại biểu hoạt động, phát huy hết khả năng của mình. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám cho rằng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội tại địa phương cần quan tâm về địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách bởi đây là điều kiện bảo đảm ban đầu về mặt chính trị, pháp lý cho hoạt động của đại biểu. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến vai trò của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Cùng quan điểm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh cho biết, địa vị pháp lý đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương không có nhiều khác biệt với đại biểu kiêm nhiệm. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của đại biểu. Thực tế này đòi hỏi nâng cao vị thế của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, có hướng dẫn, quy định rõ cả về pháp lý và cả về tổ chức đảng.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, từ thực tiễn địa phương cho thấy việc xác định mối quan hệ của Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan ở địa phương như Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc… là điều quan trọng để giúp đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật hiện này quy định chưa rõ, chủ yếu nêu trong các quy chế hoạt động về việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan hay quy định tại kỳ họp Hội đồng nhân dân mời đại biểu Quốc hội tham dự…Do đó cần có đề xuất để bổ sung hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ chế bảo đảm sự chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đối với từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn, cần có quy định về đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nhất là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại biểu của mình.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng quy định về địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương chưa rõ dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu nhất là thực hiện giám sát tại địa phương, cùng với đó việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách, công tác thi đua khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng đối với đại biểu cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh yêu cầu đòi hỏi công việc ngày càng cao nếu không được xác định địa vị pháp lý tương xứng thì đại biểu rất khó thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Thực tiễn còn nhiều vấn đề khiến đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương "tâm tư"

Thực tiễn các nhiệm kỳ qua cho thấy việc tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương là chủ trương đúng đắn, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong điều kiện hoạt động còn nhiều hạn chế cả về bộ máy giúp việc và kinh phí bảo đảm, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, trước Nhân dân, các đại biểu chuyên trách đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở địa phương, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, đóng vai trò nòng cốt, đầu mối để tổ chức các hoạt động của Đoàn và của đại biểu Quốc hội trong Đoàn; có nhiều đóng góp tích cực trong thảo luận các nội dung thuộc chương trình nghị sự của Quốc hội và giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương.

Nếu không có vai trò nòng cốt, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thì hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội ở địa phương sẽ khó có thể đảm bảo được chương trình, tiến độ đề ra, cũng như khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên các quy định hiện nay còn rất chung về quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Mặc dù Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội có quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách được mời dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân hay dự hội nghị, lớp học, tập huấn theo chức danh lãnh đạo địa phương, song nhìn chung vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn chưa cụ thể, nhất là trong các vấn đề: mối quan hệ, vị trí của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong hệ thống chính trị ở địa phương; mối quan hệ của Trưởng, Phó Đoàn chuyên trách với đại biểu Quốc hội trong Đoàn; cấp nào quản lý, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chế độ khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách…Đây là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Mặt khác, thực tiễn địa phương, bộ máy cơ quan giúp việc hoạt động Quốc hội còn ít, khó có thể đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao. Trong khi các đại biểu Quốc hội chuyên trách hầu như phải "tự bơi", tự nỗ lực trong hoạt động của mình thì các chế độ phụ cấp, các chế độ còn lại trong hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương (tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, xây dựng pháp luật, giám sát, chế độ tham dự kỳ họp Quốc hội…) không có gì khác so với đại biểu kiêm nhiệm.

Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội như chú trọng việc tiếp tục tăng cơ cấu số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, gắn với chất lượng, đặc biệt là tăng số đại biểu chuyên trách có quá trình thực tiễn được quy hoạch, đào tạo, rèn luyện và chuẩn bị. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, mối quan hệ giữa Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn với các đại biểu Quốc hội và mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương.

Cần nghiên cứu tính toán đến các quy định về độ tuổi làm việc, không như cán bộ công chức, vì lao động tác nghiệp của đại biểu Quốc hội là hoạt động rất đặc biệt, đặc thù: tuổi đời cao với trải nghiệm hơi thở cuộc sống xã hội, kinh nghiệm thực tiễn giúp cho việc đóng góp ý kiến lập pháp và giám sát càng trí tuệ và xác đáng. Bảo đảm các điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách cần chú trọng đến việc quy định cụ thể các chính sách, chế độ trong thời gian đương nhiệm và các chính sách, chế độ sau khi hết nhiệm kỳ hoặc thôi làm nhiệm vụ đại biểu, có như vậy mới tạo được sự động viên, điều kiện tốt nhất cho đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện chức trách, nhiệm vụ./.

Bảo Yến