ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

23/08/2022

Ngày 23/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum do đồng chí Phạm Đình Thanh - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát “về thực hiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian từ ngày 1/1/2021-30/3/2022” tại Công an Tp.Kon Tum và Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum. Tham gia buổi giám sát có đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.


Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum giám sát tại Công an Tp.Kon Tum. Ảnh: Trần Văn Phúc

* Tại Công an Tp.Kon Tum: Lãnh đạo Công an Tp.Kon Tum cho biết, từ ngày 1/1/2021-30/3/2022, đơn vị đã tích cực, chủ động tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật và đã thụ lý điều tra 283 vụ với 385 bị can. Kết quả, đã chuyển viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 175 vụ với 293 bị can; tạm đình chỉ điều tra 32 vụ với 2 bị can; đình chỉ điều tra 11 vụ với 14 bị can; chuyển cơ quan khác 5 vụ với 8 bị can; nhập vụ án 13 vụ, đang điều tra 47 vụ với 68 bị can.

Cơ quan điều tra Công an Tp.Kon Tum chấp hành đúng thẩm quyền điều tra, việc hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, giám định, khám xét, thu giữ, kê biên và các hoạt động điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam và bị can được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra Công an Tp.Kon Tum vẫn còn chậm gửi các quyết định phân công đến viện kiểm sát cùng cấp, không thông báo kết quả giải quyết cho những người liên quan. Một số trường hợp chưa thông báo cho gia đình người bị tạm giữ, tạm giam về việc bắt; chưa khẩn trương phối hợp với viện kiểm sát cùng cấp khám nghiệm hiện trường kịp thời các vụ tai nạn giao thông, đôi lúc còn kéo dài thời gian dẫn đến tình trạng các dấu vết, vật chứng bị biến đổi, hư hỏng. Thậm chí, vẫn còn tình trạng viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại do thiếu chứng cứ chứng minh tội phạm.

Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum giám sát tại Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum. Ảnh: Hoài Tiến

* Tại Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum: Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2021-30/3/2022, Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum đã thụ lý 202 vụ/335 bị cáo; đã giải quyết 187 vụ/306 bị cáo, đạt 92,57%; còn lại 15 vụ/29 bị cáo. Trong đó, có 4 vụ/5 bị cáo trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tại buổi giám sát, Tòa án nhân dân thành phố thông tin một số vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, giới hạn xét xử ở các cấp khác nhau được quy định khác nhau với những tên gọi khác nhau đã tạo ra nhiều cách hiểu khác về thẩm quyền của tòa án trong việc xác định giới hạn xét xử.

Từ đó, Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum đề xuất, kiến nghị: Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cần bổ sung cụm từ “có thể” vào quy định tại Khoản 1, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, thay đổi nội dung Khoản 1, Điều 298: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử” sửa thành “Tòa án có thể xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”.

Cùng với đó, đề xuất được trang bị trang thiết bị đồng bộ để phục vụ hiệu quả công tác xét xử trực tuyến.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Phạm Đình Thanh ghi nhận các kiến nghị của Công an Tp.Kon Tum, Tòa án nhân dân Tp.Kon Tum. Đồng thời đề nghị bổ sung các nội dung ý kiến đề xuất của các thành viên trong Đoàn giám sát, hoàn chỉnh báo cáo gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum để tổng hợp và có kiến nghị cụ thể gửi đến cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và Trung ương xử lý.

(Theo Báo điện tử Kon Tum)

Các bài viết khác