ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI YÊU CẦU TIẾP TỤC CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA

23/08/2022

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 (ngày 17/8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1379/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tích cực, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm tiến độ theo quy định. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung của dự thảo Luật đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý. Một là, quy định hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó cần tiếp tục củng cố, kiện toàn Thanh tra huyện để có đủ năng lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ đáp ứng các tiêu chí luật định; đồng thời, phân định rạch ròi thẩm quyền với Thanh tra Bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Ba là, Cơ quan thanh tra chuyên ngành được thành lập theo quy định của luật tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Bốn là, Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật; việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao của địa phương.

Năm là, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về cơ chế phối hợp, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và với hoạt động kiểm tra, kiểm toán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần làm rõ và quy định chặt chẽ trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ công tác giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; quy định cụ thể các khâu của quy trình thanh tra, việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của Đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra tuân thủ đúng pháp luật, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra.

Rà soát quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, việc trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát quy định của các luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ, trong đó lưu ý việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cần gắn với quá trình sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cần gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lấy ý kiến chính thức của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan có liên quan; sau đó, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)./.

Bảo Yến