ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH GIÁM SÁT VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ

15/08/2022

Sáng 16/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh do ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn có buổi giám sát về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số.


Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh.

Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đài Thy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý, các vị ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu và lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Đoàn khảo sát tại Phòng Chỉ huy điều hành - UBND tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung (Sở Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND phường 1 (thành phố Tây Ninh).

Tại phòng chỉ huy điều hành - UBND tỉnh Tây Ninh, các đại biểu nghe giới thiệu và báo cáo khái quát hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Theo đó, Trung tâm IOC chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7.2020, có nhiệm vụ phân tích, tích hợp các dữ liệu về dịch vụ công, giáo dục, y tế, môi trường, vốn đầu tư, ngân sách, an toàn thông tin và kinh tế - xã hội. Từ những số liệu cập nhật, phân tích từ Trung tâm IOC thông qua các hệ thống quan trắc, hệ thống camera, các dữ liệu đầu vào từ cơ sở… đây sẽ là những cơ sở quan trọng, phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.

Qua giám sát, các đại biểu Quốc hội và các thành viên trong đoàn đã chỉ ra một số hạn chế, cụ thể là việc cập nhật cơ sở dữ liệu vẫn chưa kịp thời, chính xác, cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, cần có sự phân quyền để các địa phương, đơn vị cùng khai thác cơ sở dữ liệu từ Trung tâm để phát huy tính hiệu quả, tránh lãng phí.

Tại Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh, đây là đơn vị có nhiệm vụ tổ chức vận hành hệ thống dữ liệu dùng chung, hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Tây Ninh. Chức năng của đơn vị là tổng hợp, giám sát, điều hành các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó, nổi bật là Hệ thống giám sát an ninh và giao thông; Hệ thống giám sát an toàn thông tin, Hệ thống phản ánh hiện trường 1022 Tây Ninh, ứng dụng Tây Ninh Smart...

Qua giám sát, các thành viên trong đoàn đã chỉ ra tình trạng còn nhiều địa phương sử dụng các phần mềm khác nhau nên khi tích hợp vào Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của tỉnh vẫn chưa tương thích, chưa liên thông, dẫn đến tình trạng ách tắc dữ liệu đầu vào, việc xử lý công việc còn chậm trễ, số liệu chưa chuẩn xác; cần có giải pháp để sớm khắc phục.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái đề nghị Trung tâm chủ động, làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp thúc đẩy công tác cập nhật dữ liệu đầu vào kịp thời, chính xác; tăng cường tính bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, nâng cao tính tương tác của người dân với chính quyền…

Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Tây Ninh, sau khi trực tiếp đến giám sát việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) tại các quầy dịch vụ, cũng như qua nghe báo cáo của lãnh đạo đơn vị, các thành viên trong đoàn cho rằng, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 vẫn còn thấp, chỉ mới đạt trên 15%. Điều này cho thấy, một phần lớn người dân vẫn chưa quen dùng và chưa ưa chuộng hình thức nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được thực hiện theo phương án lấy ý kiến ngay tại quầy giao dịch, thông qua hệ thống máy tính bảng là hợp lý và dễ thực hiện. Song, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người thực hiện đánh giá so với tổng số lượt người đến Trung tâm giao dịch vẫn còn khá thấp. Do đó, cần có giải pháp khuyến khích người dân tham gia đánh giá để số liệu phản ánh khách quan và hiệu quả hơn.

Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh về việc vẫn còn nhiều hệ thống phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương chưa cho kết nối, liên thông dữ liệu hoặc đã cho liên thông nhưng chưa cho đồng bộ dữ liệu.

Các ý kiến này sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổng hợp, chuyển Trung ương xem xét, giải quyết. Đối với kiến nghị về nâng mức hỗ trợ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trực tại bộ phận Một cửa, đầu tư thêm hệ thống máy quét văn bản tốc độ cao để phục vụ số hoá hồ sơ TTHC, đoàn ghi nhận và sẽ có kiến nghị UBND tỉnh.

Tại UBND phường 1 (thành phố Tây Ninh), lãnh đạo UBND phường cho biết việc sử dụng hệ thống một cửa điện tử trong quá trình tiếp nhận và trả kết quả TTHC mang lại nhiều thuận lợi cho cả cán bộ, công chức và người dân. Các thủ tục nhìn chung được giải quyết nhanh gọn, thông qua quy trình một cửa điện tử, lãnh đạo địa phương giám sát được hoạt động của bộ phận này.

Tính đến 15/7, qua hệ thống một cửa điện tử, phường 1 đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 1.027 hồ sơ, trong đó thực hiện thanh toán trực tuyến 1.510 hồ sơ. Hiện nay tất cả các máy tính tại UBND phường đều có kết nối internet và mạng LAN; 100% cán bộ, công chức của phường sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công việc.

Phường cũng thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, cử công chức thành thạo về công nghệ thông tin trực tiếp hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, giải đáp các thắc mắc của người dân về dịch vụ công. Lãnh đạo UBND phường 1 kiến nghị tới Đoàn giám sát về việc cần trang bị máy tính xách tay cho lãnh đạo phường; trang bị hệ thống máy quét văn bản (scan) tốc độ cao.

(Theo Báo điện tử Tây Ninh)