THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN CHÍNH SÁCH, TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH

09/08/2022

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 là một trong những chủ đề của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu kiến nghị cần tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng trong điều kiện mới.

“Tư duy mới, hành động mới” để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể gồm các nội dung về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Nhằm phát triển ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch, ở cấp bộ, cấp quốc gia sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện cho kết nối, thu hút đầu tư, cùng với đó rà soát các điểm nghẽn chính sách hiện hành, để có giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ, đầu tư cho du lịch phải rất căn cơ, phải dựa vào tiềm lực xã hội, huy động sức mạnh từ các nguồn lực khác nhau để tạo ra các khu du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch tầm cỡ. Ở tầm quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kết nối và liên kết các điểm, vùng du lịch, tăng cường xúc tiến, khơi thông, làm “ấm lại” thị trường du lịch.

Quan tâm đến vấn đề nóng hổi này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, phiên chất vấn được tổ chức trong bối cảnh thị trường du lịch có những bước khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch nội địa. Mặc dù vậy, lượng khách quốc tế lại khá hạn chế, tính đến nay cả nước đón hơn 700.000 lượt, chỉ đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay. Để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng ngành du lịch cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh hấp dẫn, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Góp ý phát triển ngành du lịch trong điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, các cấp, các ngành cần phải thật sự tạo điều kiện cho du lịch. Bên cạnh sự chủ động tham mưu thì phải có sự chủ động vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành giao thông, ngoại giao, công an…

Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

Quan tâm tới xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh mới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch quốc tế ở Việt Nam đang đi theo các xu hướng nổi bật như: du lịch an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, xu hướng lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch ngoài trời trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, sản phẩm du lịch mới, tính linh hoạt trong quá trình du lịch. Theo đó, để phát triển du lịch, cần tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Ngoài ra, nên mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, đặc biệt là xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong phát triển du lịch, Giám đốc sản phẩm Vidotour Indochina Travel Nguyễn Thiên Phúc cho rằng, nếu khôi phục lại chính sách miễn thị thực như năm 2019, chúng ta sẽ có lượng khách không nhiều nhưng sẽ là lượng khách nhất định đi vào giờ chót. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, cùng với đó là chiến lược truyền thông mạnh mẽ từ các bộ, ngành và cả người dân.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS.Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.Đà Nẵng nhận định, việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam vào những tháng cuối năm 2022 là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Việt Nam đã có những sản phẩm có sức cạnh tranh rất tốt, đã tốt rồi thì phải làm sao để giới thiệu đến được với các nhóm khách. Ngoài ra, cần sớm có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia cho ngành du lịch.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh yếu tố chuyển đổi số là mấu chốt để phát triển du lịch trong tình hình mới. Cách xúc tiến truyền thống vẫn cần tiếp tục duy trì, nhưng phải có thêm hướng tiếp cận, xúc tiến các nền tảng công nghệ số, đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng. Nhiều chuyên gia đánh giá chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu công nghệ trong lĩnh vực này là xu hướng bắt buộc, có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Nguyễn Đức Anh cho biết, nền tảng công nghệ tốt là điều kiện cần có để thu hút khách quốc tế. Xu thế đang phát triển du lịch không chạm, tất cả thực hiện trên nền tảng. Nếu liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý nền tảng (người làm công nghệ du lịch) và các điểm đến, các nhà cung cấp, các doanh nghiệp du lịch thì đây là một nền tảng - một sàn thương mại về du lịch có tính liên kết cao và có đủ sức mạnh để cạnh tranh với các nền tảng trên thế giới hiện nay.

Minh Hùng