ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM

09/08/2022

Sáng 09/8, đoàn công tác do ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) để khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn.


Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và các sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh Đoàn.

Quang cảnh buổi khảo sát tại UBND huyện Chư Sê. Ảnh: Mộc Trà

Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, những năm qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước luôn được các cấp, ngành ở địa phương quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường truyền thông dưới nhiều hình thức; mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ và tổ chức các giải thi bơi; tập huấn kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước cho học sinh; tập huấn nghiệp vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em cho hệ thống cộng tác viên trẻ em tại các thôn, làng, tổ dân phố; lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ mất an toàn cho trẻ...

Cùng với đó, các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn cũng được huyện phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả. Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá can thiệp đối với những trường hợp trẻ em gặp tai nạn thương tích cần hỗ trợ được thực hiện kịp thời. Từ năm 2016 đến tháng 6-2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã hỗ trợ 52 triệu đồng cho 26 trẻ bị tai nạn thương tích; tổng kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em gần 1,2 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà

Tại buổi khảo sát, các thành viên trong đoàn công tác và địa phương đã trao đổi, làm rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Theo đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng từ năm 2016 đến tháng 6-2022, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 22 trường hợp tai nạn đuối nước khiến 22 trẻ tử vong. Người dân có ao hồ tự tạo phục vụ tưới tiêu nông nghiệp chưa chủ động thực hiện rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm.

Hoạt động dạy bơi cho trẻ em và trang bị kỹ năng an toàn dưới nước chưa được triển khai sâu rộng. Kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ còn hạn chế (toàn huyện chỉ có 1 hồ bơi và 5 bể bơi thông minh). Việc quản lý, khai thác và sử dụng bể bơi thông minh tại các trường học còn khó khăn, bất cập; đội ngũ giáo viên dạy bơi còn thiếu. Công tác thanh-kiểm tra về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở chưa được chú trọng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ ghi nhận những nỗ lực của huyện Chư Sê trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước cho trẻ nói riêng.

Chia sẻ với những khó khăn và hạn chế mà huyện đang gặp phải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương và các cấp, ngành đề ra các giải pháp gỡ khó; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân về phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em; tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng bơi và phương pháp cứu hộ cứu nạn cho trẻ, nhất là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có để triển khai hiệu quả hoạt động học bơi-dạy bơi; tăng cường công tác kiểm tra giám sát về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện công tác này.

Đoàn công tác khảo sát thực tế bể bơi thông minh tại Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê). Ảnh: Mộc Trà

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở có bể bơi trên địa bàn huyện Chư Sê gồm: Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện và Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê).

(Theo Báo điện tử Gia Lai)